Báo Đồng Nai điện tử
En

Cân nhắc ''vẽ'' lại bản đồ khu công nghiệp Đồng Nai

08:02, 25/02/2020

Cũng như nhiều địa phương phát triển mạnh về công nghiệp trong cả nước, Đồng Nai hiện đang đứng trước bài toán làm thế nào để tiếp tục giữ được tăng trưởng kinh tế (vốn dĩ gắn liền với tăng trưởng công nghiệp) nhưng phải phát triển bền vững, đồng thời giữ được sự cân đối, hài hòa trong phát triển giữa các vùng và các địa phương trong tỉnh.

Cũng như nhiều địa phương phát triển mạnh về công nghiệp trong cả nước, Đồng Nai hiện đang đứng trước bài toán làm thế nào để tiếp tục giữ được tăng trưởng kinh tế (vốn dĩ gắn liền với tăng trưởng công nghiệp) nhưng phải phát triển bền vững, đồng thời giữ được sự cân đối, hài hòa trong phát triển giữa các vùng và các địa phương trong tỉnh.

Chính vì vậy, tỉnh đang cân nhắc để đưa ra những hướng đi phù hợp nhất với bối cảnh hiện tại, nghĩa là vẫn chú trọng phát triển công nghiệp, nhưng phát triển một cách hài hòa, cân đối, hợp lý nhất có thể.

Là 3 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế lẫn tăng trưởng sản xuất công nghiệp “nóng” nhất tỉnh trong hơn 10 năm qua, TP.Biên Hòa cùng 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch hiện đang “nắm giữ” đến 65% tổng số khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên toàn tỉnh. Những đóng góp lớn của 3 địa phương này vào sự tăng trưởng chung trong suốt thời gian qua là không có gì bàn cãi, song bên cạnh đó, các hệ lụy đặc thù cũng phát sinh từ sự tăng trưởng nhanh và mạnh đó.

Dễ thấy nhất là hàng trăm ngàn người lao động trên khắp mọi miền đất nước “đổ” về 3 địa phương trên để sinh sống và làm việc, đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ cả hạ tầng “cứng” như: đường sá, nhà ở, trường học, bệnh viện... lẫn hạ tầng “mềm” như: chất lượng giáo dục, y tế, dịch vụ các loại... để đáp ứng nhu cầu.

Với bối cảnh hiện nay, khi quỹ đất dần dần thu hẹp, khi những dự án đòi hỏi nhiều lao động gặp khó khăn nhiều hơn trong việc tuyển dụng công nhân, chi phí sản xuất cũng ngày một đắt đỏ hơn tại những địa bàn “nóng” về công nghiệp, thì thiết nghĩ, dừng việc mở thêm các KCN là hợp lý. Thay vào đó, chú trọng đến các dự án công nghệ cao, ít lao động, hướng đến phát triển bền vững để giảm bớt gánh nặng cho các địa phương trên.

Mặt khác, đối với nhu cầu mở thêm các KCN, tỉnh có thể chọn mở ở nhiều nơi khác nhau, nhất là những địa phương xa hơn, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tận dụng tốt nguồn lao động nông thôn. Với Đồng Nai, thời điểm này được nhiều chuyên gia đánh giá là “thời điểm vàng” để phát triển các KCN mới ở các địa bàn vùng xa, nhưng không phải phát triển tự phát mà sẽ “nương” theo những dự án giao thông lớn đang và sắp sửa khởi công. Chẳng hạn, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc hoàn toàn có thể tính toán mở thêm KCN “ăn theo” các tuyến đường cao tốc: Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết… Cùng với các tuyến quốc lộ hiện hữu cũng như những dự án mới trong tương lai, việc tính toán và triển khai mở mới các KCN ở những địa bàn nói trên ngay từ bây giờ là đúng lúc và hợp lý, nhằm đón đầu các dự án nói trên.

Hiện tại, việc các KCN đang tập trung chủ yếu ở một số địa bàn trọng điểm và các địa bàn này đã và đang tiến đến mức bão hòa, cần chọn hướng đi mới mẻ, hợp lý hơn, chẳng hạn phát triển đô thị dịch vụ, đô thị sân bay, phát triển những hệ thống dịch vụ - thương mại cao cấp mang tính khu vực thì sẽ phù hợp hơn với định hướng phát triển.

Với những dự án giao thông thuộc loại lớn và siêu lớn đang được triển khai mạnh mẽ như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường vành đai, đường cao tốc… tỏa ra khắp các địa phương trong tỉnh, thì rõ ràng đây là thời điểm thích hợp để tính toán, cân nhắc và “vẽ” lại bản đồ hệ thống các KCN Đồng Nai.  

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều