Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng bộ trong phát triển chung

08:11, 04/11/2021

Các địa phương, bộ, ngành, đơn vị liên quan phải tìm mọi giải pháp quyết liệt để khởi công các hạng mục của dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đúng tiến độ

Các địa phương, bộ, ngành, đơn vị liên quan phải tìm mọi giải pháp quyết liệt để khởi công các hạng mục của dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đúng tiến độ, không để chậm trễ - là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại hội nghị trực tuyến về công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành vào sáng 1-11 vừa qua. Phó Thủ tướng đã yêu cầu các đơn vị tìm mọi giải pháp đảm bảo tiến độ từng hạng mục, phấn đấu đưa dự án vào sử dụng trong 6 tháng đầu năm 2025.

Cụ thể, Đồng Nai chịu trách nhiệm hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 trong năm 2021 và hoàn thành giải phóng toàn bộ mặt bằng trong quý I-2022. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Bộ GT-VT phải đảm bảo tháng 12-2021 có thể khởi công gói thầu san lấp mặt bằng. Riêng hạng mục nhà ga hành khách phải quyết tâm khởi công trước tháng 3-2022. Công trình sân đỗ và đường cất, hạ cánh phải khởi công vào tháng 8-2022 đúng theo cam kết trước đó.

Với quyết tâm này, có lẽ ngày mà sân bay Long Thành đón những chuyến bay đầu tiên sẽ không còn xa nữa. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các lợi thế phát triển, sân bay Long Thành cần một mạng lưới các dự án hạ tầng giao thông kết nối xung quanh. Theo đó, Chính phủ đã quy hoạch các dự án kết nối xung quanh khu vực sân bay dân dụng lớn nhất nước này với các loại hình dự án đa dạng.

Về đường cao tốc, mạng lưới cao tốc đi qua và đi ngang khu vực sân bay có các dự án Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương. Ngoài ra, sẽ mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ 4 làn xe như hiện tại lên
10-12 làn xe, cộng thêm các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4.

Ngoài ra, tỉnh cũng từng kiến nghị kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến TP.Biên Hòa và đã được TP.HCM chấp thuận. Bên cạnh đó là triển khai xây cầu Cát Lái, kết nối giữa Đồng Nai và TP.HCM cũng như toàn khu vực Đông Nam bộ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030. Như vậy, đối với hệ thống hạ tầng kết nối cho sân bay Long Thành, hiện chỉ có tuyến đường vành đai 4 và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành chưa khởi động, song tỉnh cũng đang nhanh chóng nghiên cứu các phương án cần thiết để thực hiện nhằm tạo sự kết nối đồng bộ khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Như vậy, bức tranh chung về hạ tầng giao thông xung quanh sân bay Long Thành đã hình thành với sự đa dạng về loại hình (hàng không, đường bộ, đường sắt) và tính kết nối cao. Vấn đề còn lại là tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ tất cả các dự án, không để dự án nào chậm trễ. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương với sự huy động từ mọi nguồn lực xã hội. Hy vọng trong tương lai gần, không chỉ sân bay Long Thành sớm hoạt động mà các dự án khác kết nối sân bay với các vùng xung quanh cũng nhanh chóng hình thành và đóng góp vào sự phát triển chung.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều