Báo Đồng Nai điện tử
En

Khan hiếm mía giống

03:06, 13/06/2011

Vụ hè-thu năm nay do nông dân trong tỉnh mở rộng diện tích trồng mía nên lượng mía giống trên thị trường bị khan hiếm, giá tăng cao, khiến mỗi hécta mía nông dân phải tốn thêm từ 6-7 triệu đồng...

Vụ hè-thu năm nay do nông dân trong tỉnh mở rộng diện tích trồng mía nên lượng mía giống trên thị trường bị khan hiếm, giá tăng cao, khiến mỗi hécta mía nông dân phải tốn thêm từ 6-7 triệu đồng...

* Giá tăng gấp rưỡi

Đầu năm 2011, giá đường trên thị trường tăng cao, kéo theo giá mía cây bán tại ruộng khá cao giúp nông dân lãi từ 30-50 triệu đồng/hécta. Do đó, vụ hè-thu 2011, nhiều nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi một số cây trồng ngắn ngày sang trồng mía gây ra tình trạng khan hiếm mía giống, đẩy giá tăng lên 1,8-1,9 triệu đồng/tấn, cao gấp 1,5 lần so với vụ hè-thu năm 2010.

Ông Nguyễn Văn Ngàn ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) cho biết: "Vừa qua, mía được giá nên đợt này tôi thuê thêm hơn 100 hécta đất ở huyện Cẩm Mỹ và tỉnh Bình Thuận để trồng mía. Song năm nay, mía giống khan hiếm nên giá bán tăng gấp rưỡi năm 2010, mỗi hécta trồng mới chỉ riêng tiền giống đã đội thêm 6-7 triệu đồng". Ông Nguyễn Thanh Liễu, cán bộ nông nghiệp xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), nói: "Vụ vừa rồi trồng mía lời 30-40 triệu đồng/hécta nên nhiều nông dân trong xã Hiếu Liêm chuyển từ trồng mì và một số cây kém hiệu quả sang trồng mía. Dự tính vụ hè-thu 2011, nông dân trong xã sẽ trồng 120 hécta mía, tuy nhiên có nhiều hộ đã cày đất lên rồi mà vẫn chưa mua được mía giống để trồng, dù giá giống đội lên khá cao".

Khâu trồng và chăm sóc mía được nông dân xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) cơ giới hóa để giảm bớt công lao động.  Ảnh: H. GIANG

Anh Nguyễn Văn Nhân ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), cho hay: "Trồng mía với diện tích lớn có thể cơ giới hóa được 90%, chỉ còn khâu thu hoạch phải chặt thủ công nên nếu chăm sóc tốt, mía đạt trên 90 tấn/hécta/năm thì người trồng có thể lời khoảng 50 triệu đồng/hécta/năm. Đồng thời, đầu ra của cây mía khá ổn định, vì được các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh bao tiêu. Vụ này tôi mạnh dạn thuê thêm khoảng 100 hécta đất ở huyện Cẩm Mỹ để trồng mía, nhưng không ngờ nguồn giống khan hiếm, giá tăng thêm 600-700 ngàn đồng/tấn, cộng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thợ đều tăng, chi phí đầu vào đội thêm 10 triệu đồng/hécta".

Do khan hiếm mía giống, không ít đầu nậu mía giống đã "phù phép" biến mía thịt thành mía giống bán cho những nông dân đang cần gấp để trồng cho kịp thời vụ. Nhiều nông dân phát hiện giống kém chất lượng vẫn chấp nhận, vì đã làm đất và thời tiết đang có mưa xuống nếu không trồng sẽ chậm thời vụ.

* Để mua giống ưu đãi

Nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu sản xuất mía cho liên vụ 2011-2012, hai doanh nghiệp mua mía lớn trên địa bàn Đồng Nai là Nhà máy mía đường Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu) và Công ty CP mía đường La Ngà (huyện Định Quán) sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho các hộ trồng mía trong tỉnh. Vì vậy, các hộ nông dân trồng mới nếu hợp đồng với 2 đơn vị trên sẽ được cung cấp giống có giá thấp hơn ngoài thị trường từ 350-450 ngàn đồng/tấn. Ngoài ra, các hộ còn được hưởng thêm một số chính sách đầu tư ưu đãi về vốn, phân bón và kỹ thuật trồng, chăm sóc từ khi trồng đến lúc thu hoạch.

Ông Trương Văn Thành, Giám đốc Nhà máy mía đường Biên Hòa - Trị An, khẳng định: "Những nông dân trồng mía nếu ký hợp đồng với nhà máy sẽ được giao giống tận ruộng với giá từ 1,450 - 1,550 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, các hộ trồng mới lần đầu còn được phía nhà máy hỗ trợ không hoàn lại 4 - 6 triệu đồng/hécta và một số ưu đãi khác, như hướng dẫn kỹ thuật từ khi làm đất đến trồng, chăm sóc và thu hoạch. Đồng thời, nhà máy sẽ đưa giá bao tiêu sản phẩm giúp nông dân luôn có lời dù giá mía có xuống dưới giá thành".

Tương tự, Công ty CP mía đường La Ngà cũng đưa ra các chính sách ưu đãi khá hấp dẫn đối với các hộ nông dân trong tỉnh trồng mía có hợp đồng với công ty, như: giúp vốn không hoàn lại cho các hộ trồng mới, cho vay vốn lãi suất tương đương với ngân hàng cho những hộ thâm canh thiếu vốn...

Hiện nay, hai doanh nghiệp trên vẫn đang tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu trồng mía. Do đó, những nông dân có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp với các đơn vị nói trên để ký hợp đồng nhằm hưởng các chính sách ưu đãi và không phải lo cho đầu ra của sản phẩm.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều