Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiểu thương các chợ cạnh tranh khó khăn hơn

03:06, 13/06/2011

Tại các chợ truyền thống, trong khi nhóm hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả... vẫn giữ được lượng khách khá ổn định thì các nhóm hàng khác, đặc biệt là hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm khô... đang ngày càng vắng khách. Tiểu thương dường như đang bế tắc trong nỗ lực tìm kiếm thế mạnh của mình.

Tại các chợ truyền thống, trong khi nhóm hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả... vẫn giữ được lượng khách khá ổn định thì các nhóm hàng khác, đặc biệt là hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm khô... đang ngày càng vắng khách. Tiểu thương dường như đang bế tắc trong nỗ lực tìm kiếm thế mạnh của mình.

* Chạy đua với hàng "xôn"

Đã hơn 10 giờ sáng thứ bảy nhưng chị Nguyễn Thị Thúy Nga - tiểu thương lâu năm chuyên bán quần áo tại chợ Tân Phong, TP. Biên Hòa chỉ bán được vỏn vẹn 2 chiếc khăn mặt. Nhìn xung quanh, các sạp khác bán hóa mỹ phẩm, giày dép, vải, quần áo... nằm trong trục chính nhà lồng của chợ cũng vắng hoe, chỉ lác đác vài người ghé mua chai dầu gội, miếng xà bông tắm. Trong khi đó, tại hai con đường hẻm, ở một vài chỗ bán quần áo "xôn", người mua lại đông nườm nượp. Chị Nga cho biết, khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, kinh doanh hàng tiêu dùng ở chợ ngày càng khó khăn hơn do lượng khách sụt giảm mạnh. "Ở nhóm hàng chất lượng tốt và giá cao, rất khó cạnh tranh với siêu thị và hệ thống shop thời trang, còn những mặt hàng bình dân thì cũng không dễ "giành" khách của các chiếu hàng giá rẻ ngày một nhiều hơn tại chợ, thậm chí có thể nói, trong chợ bán gì thì bên ngoài bán cái đó" - chị Nga nhận xét. Theo chị, với một sạp hàng rộng khoảng 10m2 trong nhà lồng chợ, các tiểu thương phải trả chi phí mặt bằng, hoa chi, điện, nước, thuế, nhân viên... khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền đầu tư sạp, vốn trữ hàng... Trong khi đó, các chiếu hàng "xôn" bên ngoài - nay đã trở thành đối tượng cạnh tranh trực tiếp với tiểu thương - lại "được miễn" các chi phí trên, vốn liếng gọn nhẹ nên giá rẻ hơn, "hút" khách hơn.

Trục chính nhà lồng chợ Tân Phong vắng khách.  Ảnh: V. LÂM

Chị Thủy, quản lý sạp hàng giày dép Thái Hà (chợ Tân Hiệp), cũng cho biết, doanh thu bán hàng hiện tại chưa được 1 triệu đồng/ngày, chỉ bằng 1/2 so với thời điểm cách đây 3 năm. Theo chị, nhóm giày dép bình dân giá dưới 100 ngàn đồng/đôi hiện đang cạnh tranh rất mệt mỏi với các chiếu giày dép giá rẻ bên ngoài chợ. Để cứu vãn doanh thu, chị Thủy đang tìm cách giao hàng cho một số công nhân bán tại công ty, dù lãi chỉ bằng một nửa so với bán lẻ.

Khảo sát tại các chợ truyền thống lớn ở TP. Biên Hòa như: Biên Hòa, Tân Hiệp, Tân Phong, Bửu Hòa... cho thấy, nhiều chợ đang hình thành một "chợ hàng xôn" mọc rải rác chung quanh chợ. Thậm chí ở nhiều chợ, hàng xôn còn lấn hẳn vào khuôn viên chợ với đủ thứ mặt hàng: quần áo, vải vóc, hóa mỹ phẩm, xoong nồi chén bát... Với ưu thế giá rẻ do không mất chi phí mặt bằng, thuế, điện... đồng thời "ăn đứt" ở tính tiện lợi khi người mua chỉ cần tấp xe vào là có thể tha hồ lựa chọn nên rõ ràng hàng xôn đang có lợi thế hơn hẳn so với các tiểu thương "danh chính ngôn thuận" ngồi ở sạp.

* Chưa tìm ra thế mạnh

Ngoài "kênh hàng xôn", tiểu thương chợ truyền thống cũng đang đuối sức trong cuộc chạy đua với các siêu thị ở những mặt hàng như hóa mỹ phẩm, gia vị, đồ dùng gia đình... Ngoài lý do siêu thị thường xuyên khuyến mãi, còn có các nguyên nhân khác, như người tiêu dùng ngày càng lựa chọn siêu thị hơn khi mua các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe: thực phẩm chế biến đóng gói, hóa mỹ phẩm... Chưa kể, cơ sở hạ tầng ngày càng ọp ẹp của các chợ đang trở nên yếu thế trước các không gian mua sắm sáng trưng, mát lạnh của những nhà bán lẻ dạn dày kinh nghiệm.

Điều đáng nói, trong khi hàng "xôn" ăn khách vì giá rẻ, các siêu thị cũng nắm rõ lợi thế của mình thì tiểu thương lại đang loay hoay bế tắc trong vấn đề tìm kiếm thế mạnh nhằm giữ chân khách hàng, cải thiện doanh thu.

Lãnh đạo ban quản lý một chợ khá lớn ở TP.Biên Hòa thừa nhận, trừ các mặt hàng thực phẩm tươi sống, còn lại các mặt hàng khác đang dần mất khách. Theo đó, ngoài yếu tố cạnh tranh, còn có các nguyên nhân khác về phía chủ quan như thái độ bán hàng, thói quen nói thách, hàng hóa thiếu đa dạng... mà không phải tiểu thương nào cũng nhận ra để cải thiện. "Than ế thì vẫn than, song nhiều tiểu thương vẫn có thói quen nói thách gấp rưỡi giá bán, hoặc mặt nặng mày nhẹ khi khách chỉ xem hàng mà không mua, quá xem trọng chuyện mở hàng, đóng hàng... Tất cả những yếu tố đó cũng góp phần làm khách hàng không muốn ghé chợ, bởi họ có nhiều sự lựa chọn dễ chịu hơn khi mua hàng" - vị lãnh đạo này nhận xét.

Ông Đặng Viết Liêm, Trưởng ban quản lý chợ Tân Hiệp, cũng nhận xét: "Tiểu thương vẫn có thế mạnh của mình, như sự linh động, tiện lợi, tận tình..., tuy nhiên, rõ ràng nhiều người vẫn chưa xây dựng tốt hình ảnh này. Đơn cử vấn đề niêm yết giá rõ ràng cho người mua dễ chọn lựa, tiểu thương cũng không chịu làm dù Ban quản lý liên tục nhắc nhở". Theo ông Liêm, ngoại trừ mặt hàng quần áo còn khá đông khách trong các mùa tựu trường, lễ, tết..., còn lại các nhóm hàng như hóa mỹ phẩm, đồ nhựa, thực phẩm khô, gia vị... hiện đã giảm đến 30% về doanh thu, lượng khách so với vài năm trước.

V.Lâm

 

Tin xem nhiều