Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2011: Nhiều chỉ số tăng trưởng

09:09, 28/09/2011

Vừa tập trung kiềm chế lạm phát, vừa cố gắng giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao như vài năm gần đây là một bài toán khó với Đồng Nai. Tuy nhiên, những kết quả 9 tháng đầu năm qua cho thấy, có vẻ như các chỉ tiêu của năm 2011 sẽ được hoàn thành tốt, do đó các kịch bản tăng trưởng cho năm 2012 cũng bắt đầu được đem ra bàn thảo.

Vừa tập trung kiềm chế lạm phát, vừa cố gắng giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao như vài năm gần đây là một bài toán khó với Đồng Nai. Tuy nhiên, những kết quả 9 tháng đầu năm qua cho thấy, có vẻ như các chỉ tiêu của năm 2011 sẽ được hoàn thành tốt, do đó các kịch bản tăng trưởng cho năm 2012 cũng bắt đầu được đem ra bàn thảo.

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt trên 75% kế hoạch năm tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt hơn 72% kế hoạch, tăng 14,2% so với cùng kỳ; khu vực dịch vụ đạt 82% kế hoạch, tăng 14,8% so cùng kỳ; khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 74,5% kế hoạch, tăng 3,6% so cùng kỳ.

 * Nhiều chỉ số lạc quan

Trong 9 tháng đầu năm 2011, 9 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2010. Một số ngành đạt mức tăng cao, từ 15% trở lên, như dệt, may và giày dép; chế biến nông sản thực phẩm; cơ khí; chế biến gỗ… Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tiếp tục giữ mức tăng ấn tượng, trên 30% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 84,5% kế hoạch năm. Một số chỉ tiêu khác cũng đạt khá: thu hút đầu tư nước ngoài đạt 73,5% kế hoạch; thu hút đầu tư trong nước đạt 80% kế hoạch và  tổng vốn đăng ký kinh doanh từ các thành phần kinh tế dân doanh là 14.100 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch năm… Trong 9 tháng qua, có 1.500 doanh nghiệp mới thành lập và 470 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn. Về thu ngân sách, tính đến hết tháng 9-2011 đã đạt 78% dự toán, tăng 19% so cùng kỳ năm 2010.

Sản xuất giày xuất khẩu tại công ty Changshin Việt Nam.           Ảnh: K.NGÂN
Sản xuất giày xuất khẩu tại công ty Changshin Việt Nam. Ảnh: K.NGÂN

Đánh giá về kết quả tăng trưởng trong 9 tháng qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho rằng, đây là một nỗ lực lớn của Đồng Nai trong bối cảnh nền kinh tế trong nước lẫn thế giới còn nhiều khó khăn. Theo đó, đây là tiền đề tốt, tạo cơ sở hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2011 trong 3 tháng còn lại.

 * Vì sao CPI tăng đột biến?

Tuy nhiên, ngoài các con số tích cực thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Đồng Nai là một chỉ số gây bất ngờ khi tăng đến 2,87% so với tháng trước, dẫn đến tốc độ tăng giá trong 9 tháng lên đến 17,7%. Nhìn chung các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều có mức tăng nhẹ và thấp hơn bình quân chung; nhóm dịch vụ giao thông tiếp tục giảm 0,3% và mặt hàng thực phẩm cũng đã giảm 0,5% so tháng trước. Song nhóm dịch vụ giáo dục tháng 9 lại tăng cao (61%) chủ yếu do vào đầu năm học mới các khoản học phí, lệ phí ở các cấp học tăng, nhất là đối với các trường, cơ sở thuộc khối dân lập.

Lý giải con số này, ông Trần Quốc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai nói: “Tháng 9 năm nay, do điều chỉnh tăng học phí ở nhiều cấp học nên nhóm giáo dục tăng đến 61% (khu vực thành thị tăng 88%, khu vực nông thôn tăng 43%), kéo CPI tăng mạnh lên 2,87%. Nếu nhóm giáo dục không tăng đột biến thì CPI tháng 9 của Đồng Nai không những không tăng mà còn giảm 0,39% so với tháng trước. Tuy nhiên, không thể tách nhóm giáo dục ra khỏi rổ hàng hóa, dịch vụ được chọn khảo sát để tính CPI”. Cũng theo ông Tuấn, các tỉnh, thành phố khác khi điều chỉnh học phí cũng đều phải chịu tình trạng CPI tăng đột biến so với các tháng khác, năm khác. Những năm trước, Đồng Nai chưa điều chỉnh tăng học phí nên CPI chưa tăng mạnh, riêng năm nay, bắt đầu từ tháng 9 học phí tăng, do đó ảnh hưởng lên CPI. Ông Tuấn thông tin thêm, năm 2010 có 17 tỉnh, thành tăng học phí dẫn đến CPI tăng vọt, còn tháng 9 năm nay, cả nước có 8 tỉnh tăng học phí, gây ảnh hưởng đến CPI.

* Kịch bản nào cho năm 2012?

Ba phương án tăng trưởng cho năm 2012 (lần lượt là 12%, 13% và 14%) đã được UBND tỉnh đưa ra nhằm tham khảo ý kiến các sở, ngành, địa phương trong ngày 26-9 đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số cho rằng, năm 2011 với bối cảnh nhiều khó khăn, song tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 13,2% và dự kiến cả năm 2011 cũng đạt từ 13% trở lên, do đó, nên chọn phương án tăng trưởng cho năm 2012 là 13% hoặc 14%. Tuy nhiên, một số ý kiến thận trọng khác lại cho rằng, phương án “nằm giữa”, tức từ 12 - 13% là phương án có tính khả thi nhất. Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư phân tích: “Thứ nhất, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2011 giảm một nửa so với năm 2010. Nhiều dự án cấp phép từ năm 2010 đến nay vẫn chưa triển khai sản xuất, đặc biệt là các dự án bất động sản. Các KCN hiện thu hút đầu tư cũng rất khó khăn, vậy nên các nguồn lực huy động thêm cho năm 2012 là không nhiều”.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng mạnh do nhóm dịch vụ giáo dục tăng đến 61%.  Trong ảnh: Mua sắm tại nhà sách Fahasa Biên Hòa.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng mạnh do nhóm dịch vụ giáo dục tăng đến 61%. Trong ảnh: Mua sắm tại nhà sách Fahasa Biên Hòa.

Bên cạnh đó, bà Thu cho rằng, tình hình chung của năm 2012 chưa hẳn đã lạc quan như nhiều dự đoán: lạm phát cao, lãi suất chỉ giảm nhẹ, sản xuất - kinh doanh gặp khó… Bà Thu cho biết, làm việc với nhiều DN lớn cho thấy giới DN nhận định tình hình 2012 thực sự còn rất khó khăn, một số DN thậm chí không dám đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm tới.

Một số ý kiến các sở, ngành khác cũng nghiêng về phương án tăng trưởng từ 12 - 13%. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cũng cho rằng, kịch bản này có tính khả thi cao nhất so với các phương án còn lại. Tuy chưa phải là kịch bản cuối cùng mang tính quyết định, song sự lựa chọn này cũng được coi là bước đầu quan trọng trước khi phương án tăng trưởng của năm 2012 được trình lên HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm nay.

Kim Ngân



 

 

Tin xem nhiều