Báo Đồng Nai điện tử
En

Chìm nổi nghề nấu đường Bình Lợi

08:02, 03/02/2012

Xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu hiện có trên 300 héc ta mía, hơn 50% lượng mía cây được các lò nấu đường thủ công ở đây tiêu thụ.

Xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu hiện có trên 300 héc ta mía, hơn 50% lượng mía cây được các lò nấu đường thủ công ở đây tiêu thụ.

Nghề nấu đường ở Bình Lợi có lâu. Thời kỳ cao điểm nơi đây có đến gần 20 lò nấu đường. Sản phẩm đường táng (đường thô) Bình Lợi không  chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn bán ở  TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây và miền Trung. Từ năm 2000 đến nay, hàng loạt những khó khăn làm “tắt lửa” nhiều lò.

Nấu đường tại lò ông Huỳnh Công Minh. Ảnh: V.N
Nấu đường tại lò ông Huỳnh Công Minh. Ảnh: V.N

Theo các chủ lò ở đây, khó khăn lớn nhất là đầu ra của sản phẩm. Từ khi nhà máy đường tăng công suất, lượng đường trắng (đường cát) trên thị trường dồi dào cũng là lúc đường táng bán không chạy. Nhiều lò sản xuất ra đường không bán được bị lỗ phải đóng cửa. Trong 4 lò đường còn lại tại Bình Lợi, chỉ có gia đình ông Lê Văn Chừng là sản xuất đường bán ra thị trường. Mỗi tháng lò đường này cung cấp cho thị trường khoảng 20 tấn đường táng. Các lò đường còn lại đã chuyển sang sản xuất đường phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm. Ông Huỳnh Công Minh, chủ một lò đường khá lớn ở ấp 1 cho biết, thời gian gần đây ông ký được hợp đồng cung cấp đường cho các nhà máy chế biến  thực phẩm nên hoạt động cũng đã ổn định hơn. Trước đây, bán đường cho thị trường , ông Minh thường xuyên gặp cảnh “dội chợ”. Nấu đường chỉ hoạt động được 7 tháng (từ tháng 9 đến tháng 3) theo mùa thu hoạch mía ở địa phương. Từ khi nhận cung cấp đường cho các công ty, lò đường của ông gần như “đỏ lửa” suốt năm. Hàng năm, hết mùa thu hoạch mía của địa phương ông Minh phải ra tận ngoài Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để mua mật về nấu đường. Theo ông, việc đi mua mật ở khá xa về nấu có lãi rất ít, nhiều khi hòa vốn nhưng duy trì được công việc ổn định để giữ chân công nhân. Trung bình mỗi tháng lò đường của ông Minh cung cấp cho các nhà máy khoảng 30 tấn đường.

Ông Minh cũng cho hay, sản xuất đường cho ngành công nghiệp ngoài việc làm tương đối ổn định thì ít bị sức ép cạnh tranh với các nhà máy đường. “Các công ty chế biến thực phẩm không sử dụng được đường trắng mà chỉ dùng đường táng, đây cũng là điều kiện tốt để mình tránh được sự cạnh tranh đối đầu với các nhà máy đường. Đường dành cho chế biến thực phẩm phải đảm bảo nguyên chất từ mía nấu thành mà không sử dụng bất cứ hóa chất gì thêm vào. Chính những quy định đó cũng là thuận lợi cho việc nấu đường thủ công”, ông Minh nói. Cũng nhờ bán đường cho nhà máy công nghiệp thực thẩm nên số ít lò đường còn sót lại nơi đây đã duy trì được hoạt động khá đều.   

Khó khăn về đầu ra của sản phẩm đã không còn là gánh nặng, nhưng các ông chủ lò đường lại ngao ngán về lao động. Nguồn nhân công cho các lò đường ở đây đang ngày một khan hiếm. Lao động sản xuất nông nghiệp ở Bình Lợi hiện tại phần lớn phụ thuộc vào người ngoài tỉnh. Nhiều khi đang sản xuất vài người xin về quê là chủ lò phải dừng công việc vì không thể kiếm được người thay thế. Ông Lê Văn Mười, chủ một lò nấu đường ở ấp 3 cho biết, hiện tại công lao động đang là điều lo lắng nhất. Như lò đường của gia đình ông vào loại nhỏ, mỗi tháng chỉ sản xuất khoảng 10 tấn đường nhưng phải sử dụng 20 công nhân, trong đó 10 người  phụ trách việc ép mía và nấu đường, số công nhân còn lại tham gia chặt và vận chuyển mía. Hầu hết số lao động  này đều phải thuê từ các tỉnh miền Tây, bởi nhân công tại địa phương hiện nay không còn, số lao động trẻ thường đi vào làm ở các khu công nghiệp .

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều