Báo Đồng Nai điện tử
En

Để công tác phổ biến pháp luật thêm hấp dẫn

11:08, 17/08/2014

"Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn hấp dẫn người làm công tác PBGDPL cần phải có sự nhiệt huyết với nghề" - ông Lê Tiến Châu, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp, chia sẻ như thế tại diễn đàn "Phổ biến, giáo dục pháp luật khu vực phía Nam" do Sở Tư pháp tỉnh đăng cai tổ chức ngày 15-8.

“Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn hấp dẫn người làm công tác PBGDPL cần phải có sự nhiệt huyết với nghề” - ông Lê Tiến Châu, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp, chia sẻ như thế tại diễn đàn “Phổ biến, giáo dục pháp luật khu vực phía Nam” do Sở Tư pháp tỉnh đăng cai tổ chức ngày 15-8.

* Giảm “khó - khô -  khổ”

Theo ông Lê Tiến Châu, công tác PBGDPL được các địa phương phản ánh là khô khan, gặp khó khăn về tài chính và việc tiếp cận với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để giảm “khó - khô - khổ”, các tỉnh, thành phía Nam đã linh hoạt trong cách làm, tham mưu, đề xuất với lãnh đạo địa phương và phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị trong công tác đưa pháp luật vào đời sống. “Một khi người dân nắm bắt được các quy định của pháp luật thì sẽ hành xử đúng luật. Đó là kết quả mà người làm công tác PBGDPL đã gặt hái được” - ông Châu nhấn mạnh.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Tà Lài (huyện Tân Phú).
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Tà Lài (huyện Tân Phú).

Ở TP.Cần Thơ đã áp dụng mô hình “Quán cà phê pháp luật” nhằm khắc phục hạn chế từ mô hình Tủ sách pháp luật hiện hiệu quả đạt không cao. Với 114 “Quán cà phê pháp luật” được Sở Tư pháp TP.Cần Thơ hỗ trợ các đầu sách pháp luật và các tờ gấp tuyên truyền, mỗi ngày có 10-15 lượt khách mượn đọc/điểm quán và cùng nhau chia sẻ, tranh luận thông tin. “Quán cà phê pháp luật” còn là điểm sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, điểm hòa giải cơ sở.

Trong khi đó, TP.Hồ Chí Minh có cách giải quyết khó khăn về tài chính theo cách riêng, như: đưa nội dung xã hội hóa công tác PBGDPL vào tiêu chí đánh giá thi đua của các sở, ban, ngành, hội đồng PBGDPL huyện, quận; khảo sát đánh giá thực trạng xã hội hóa công tác PBGDPL tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và nghiên cứu tìm mô hình, cách làm hay để nhân rộng điển hình. Với cách làm đó, ngoài nguồn kinh phí ngân sách cấp theo kế hoạch, TP.Hồ Chí Minh đã huy động sức mạnh xã hội vào công tác PBGDPL với số tiền trên 10 tỷ đồng/năm.

Theo ông Lê Tiến Châu, các tỉnh, thành đã cùng nhau giải quyết thấu đáo vấn đề “khó - khô -  khổ” mà thực tế công tác PBGDPL gặp phải trong thời gian qua. Đặc biệt, để công tác PBGDPL đạt hiệu quả cao hơn, cần phải đặc biệt quan tâm hơn nữa các vấn đề về: kinh phí, nhân lực; sự linh hoạt, đa dạng trong cách làm của từng địa phương; sử dụng đa phương tiện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nhằm phát huy hiệu quả, sức hấp dẫn; tăng cường công tác quản lý Nhà nước…

Còn tại Đồng Nai, cán bộ làm công tác PBGDPL tỉnh đã bền bỉ bước chân đến từng khu nhà trọ, khu lao động, khu công nghiệp và cả những chuyến đi dài về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu… để làm công tác PBGDPL.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Văn Châu cho hay, công tác PBGDPL luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm và chú trọng. Vì vậy, ngành tư pháp Đồng Nai không ngừng đổi mới phương thức, linh hoạt vận dụng chính sách, tận dụng mọi nguồn lực… tháo gỡ những khó khăn về công tác nhân lực, nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất.

* Giải pháp, kiến nghị

Để công tác PBGDPL đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Đồng Nai đề nghị Trung ương cần xây dựng bộ tiêu chí làm cơ sở đánh giá kết quả của công tác PBGDPL. Bởi hiện tại có 2 luồng nhận xét khác nhau. Có ý kiến cho rằng ngành tư pháp và hệ thống chính trị làm tốt công tác này. Quan điểm khác lại cho rằng, nếu đã làm tốt công tác PBGDPL thì tại sao tình trạng vi phạm pháp luật gia tăng, ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn kém; đó có phải do bệnh thành tích hay cần quá trình dài để theo dõi, đánh giá?

Đồng quan điểm này, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương có văn bản chỉ đạo, quán triệt chủ trương xã hội hóa công tác PBGDPL; xây dựng chế độ ưu đãi, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ; ban hành quy định liên quan đến việc nhận tài trợ, vận động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quy định sử dụng nguồn kinh phí PBGDPL khoa học, hợp lý.

Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đề ra giải pháp đổi mới, đa dạng các mô hình PBGDPL, như: lồng ghép tuyên truyền miệng với hoạt động văn hóa - văn nghệ; lắp đặt các “Giỏ pháp luật” (tương tự Tủ sách pháp luật) tại các khu nhà trọ công nhân; phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên; tăng cường PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm đĩa CD cấp phát cho cơ sở…

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều