Báo Đồng Nai điện tử
En

Băng đĩa lậu tràn lan,làm sao ngăn chặn?

09:07, 15/07/2005

Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất - xuất bản - ghi âm chống việc sao chép bản ghi âm đã chính thức có hiệu lực từ ngày 6-7 tại Việt Nam. Nhưng trong thực tế, tình trạng buôn bán băng đĩa lậu vẫn diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương trong cả nước. Điều này đã gây cản trở không nhỏ đến việc thực hiện những mục tiêu chung mà Công ước Geneva đã đề ra.

Băng đĩa lậu nhưng lại được bày bán công khai ở nhiều nơi.

Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất - xuất bản - ghi âm chống việc sao chép bản ghi âm đã chính thức có hiệu lực từ ngày 6-7 tại Việt Nam . Nhưng trong thực tế, tình trạng buôn bán băng đĩa lậu vẫn diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương trong cả nước. Điều này đã gây cản trở không nhỏ đến việc thực hiện những mục tiêu chung mà Công ước Geneva đã đề ra.

 

"Lậu" mà... công khai

Trước đây, băng đĩa lậu chỉ được bán một cách lén lút tại các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh văn hóa phẩm, thì nay băng, đĩa lậu được bày bán công khai khắp nơi. Đặc biệt, băng đĩa lậu giờ đây đã "theo chân" những người bán dạo, những chủ "sạp hàng" di động đến mọi "hang cùng, ngõ hẻm" để phục vụ nhu cầu của "thượng đế".

Khó có thể thống kê được con số chính xác các "quầy di động". Họ thường xuyên thay đổi địa điểm bán để tránh sự kiểm soát của các đội quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác; đồng thời luôn tìm cách mở rộng phạm vi bán của mình. Còn những người bán dạo bằng xe đạp hay xe máy thì họ luôn có mặt ở mọi ngõ ngách. Ẩn sau những mặt hàng bóp, dây đeo chìa khóa, gương, lược...  là vài chục, thậm chí hàng trăm đĩa lậu đủ loại. Cũng chính từ đây, những đĩa có nội dung không lành mạnh được tung ra đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Điều đáng nói ở đây là giá bán các loại đĩa rẻ đến bất ngờ. Mỗi đĩa "luộc" chỉ với giá 5.000 đồng, trong khi giá đĩa gốc từ 25-30 ngàn/đĩa. Nếu từ 5 đĩa trở lên, người mua còn được khuyến mãi giảm tới 30% giá bán. Tuy nhiên, "tiền nào của nấy", chất lượng của đĩa rất kém. Những người bán hàng cho biết, tất cả những loại đĩa đều được bán rất nhanh, vì phần đông khách hàng đều ở tuổi thanh thiếu niên, trước những gì được coi là mới, lạ họ đều muốn xem thử để biết.

Không chỉ hấp dẫn người mua bởi giá thành mà người bán còn hấp dẫn người mua bằng khả năng đáp ứng nhu cầu cao. Tại một điểm bán đĩa ở chợ Tân Hiệp (Biên Hòa) mặc dù chúng tôi tỏ ra là một khách hàng "khó tính" nhưng chủ hàng không hề tỏ ra khó chịu khi chúng tôi không chọn mua được một đĩa nào trong vô số đĩa mà anh có. Trước khi ra về, anh ta còn hẹn: "Mai em lên Sài Gòn lấy hàng mới, chiều chị quay lại chắc chắn sẽ có những đĩa mà chị yêu cầu". Một chủ khác tại chợ nhỏ nằm trong khu Giáo xứ Bùi Vinh (phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa) tỏ ra "áy náy" vì hôm nay còn ít hàng, không đáp ứng được nhu cầu cho chúng tôi lựa chọn. Chị ta còn xin số điện thoại và hẹn sẽ mang đến tận nhà những đĩa mà chúng tôi yêu cầu.

 

Làm sao dẹp được nạn đĩa lậu?

Khi tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy hầu như tất cả người bán đĩa lậu "lưu động" đều hiểu rằng, hình thức bán hàng này là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do lời lớn, hàng lại dễ tiêu thụ nên họ không muốn từ bỏ công việc này. Nếu lấy hàng tận gốc ở TP. Hồ Chí Minh, người bán lãi từ 2.000 đến 2.500 đồng/đĩa. Chịu khó "ngồi đồng", trung bình mỗi ngày họ có thể bán được 30-50 đĩa, thu nhập cao hơn nhiều so với lương công nhân. Phần đông những người bán đĩa dạo  đều là những người không có việc làm ổn định.

Trước thực trạng đĩa lậu tràn lan như hiện nay, Sở Văn hóa - thông tin có kế hoạch gì để chấn chỉnh? Ông Trần Xuân Tiến, Phó chánh thanh tra Sở cho biết: "Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các đội 814 (đội kiểm tra liên ngành) của các xã, phừơng, huyện, thị tiến hành công tác kiểm tra, truy quét nạn buôn bán trái phép này. Tuy nhiên, do các thành viên của đội 814 đều là những người kiêm nhiệm. nên không có thời gian đâu mà kiểm tra thường xuyên được. Vì vậy, công việc kiểm tra băng đĩa lậu chỉ thực hiện từng đợt, như "ném đá ao bèo". Đáng chú ý là người bán ngày càng có nhiều thủ đoạn đối phó với các cơ quan chức năng. Nhiều người bán tỏ ra khôn ngoan hơn khi chọn những điểm bán cạnh những sạp hàng quần áo, sách báo cũ, giày dép... nhằm che mắt lực lượng quản lý thị trường". Ông Tiến khẳng định: "Có thể nói rằng, chính quyền địa phương biết rất rõ hoạt động buôn bán đĩa lậu trên địa bàn, nhưng chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này. Trong quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nếu chỉ một mình ngành văn hóa thông tin thì không thể bao quát hết được".

 Cũng theo ông Tiến, trong thời gian qua, do sự phối hợp thiếu đồng bộ và không kiên quyết là nguyên nhân của tình trạng băng đĩa lậu tràn lan như hiện nay. Lâu nay, các báo cáo về kết quả và kế hoạch hoạt động hàng năm của ngành văn hóa thông tin các địa phương đều thể hiện tính quyết tâm trong việc điều tra, quản lý hoạt động kinh doanh băng đĩa nhạc. Song, hiện tượng băng đĩa lậu vẫn được bán tràn lan tại các vỉa hè, đường phố và các trục lộ giao thông hiện nay đang chứng minh ngược lại. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam chính thức tham gia vào Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất - xuất bản - ghi âm chống việc sao chép bản ghi âm thì việc tuyên truyền rộng rãi những quy định của Công ước và tăng cường các biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn hiện tượng buôn bán băng đĩa lậu trở nên vô cùng quan trọng. Nếu thực trạng này không được giải quyết triệt để sẽ tạo nên một rào cản trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Thuý Hằng

 

Tin xem nhiều