Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ tích hơn 20 năm xếp đá làm đường của ông già bệnh tật

09:07, 11/07/2005

Hơn hai mươi năm trước ông bắt đầu xếp đá làm đường. Và từ đó đến nay, hầu như ông chưa rời bỏ con đường ấy ngày nào cho dù đó có là ngày mưa bão hay lễ, tết.

Đường be ở ấp 6, xã Phú Sơn- con đường đã in đậm dấu chân của người đã dày công xây dựng nó.

Hơn hai mươi năm trước ông bắt đầu xếp đá làm đường. Và từ đó đến nay, hầu như ông chưa rời bỏ con đường ấy ngày nào cho dù đó có là ngày mưa bão hay lễ, tết. Nhiều người dân trong vùng đề nghị lấy tên ông đặt cho con đường, nhưng ông từ chối: "Tôi chỉ làm những việc "linh tinh" thôi chứ có công trạng gì đâu!"

* Chuyện của 20 năm trước

Sau ca phẫu thuật ruột, tình trạng sức khỏe của ông Trần Văn Túc (hiện nay đã 86 tuổi, ở ấp 6, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) càng nguy kịch hơn. Các bác sĩ cho biết, sự sống chỉ còn tính bằng ngày nên không đồng ý nối ruột cho ông theo yêu cầu của gia đình. Hay tin, nhiều người quen tìm đến ông đòi nợ. Chừng ấy, vợ và các con ông mới hay, ông đã mua thiếu cả hécta đất để tặng cho những gia đình nghèo trong xóm có nơi làm nhà ở và để sản xuất. Vậy mà ông vẫn lạc quan: "Tôi sẽ có cách tự điều trị khỏi bệnh cho mình để làm trả nợ bà con".

Ở nhà, ông tự chăm sóc vết thương, tự lo chuyện vệ sinh cá nhân và rất siêng tập thể dục dưỡng sinh. 6 tháng kể từ khi biết tin "cuộc sống chỉ còn tính bằng ngày" trôi qua, ông thấy sức khỏe mình khá hơn nhiều. Một hôm, ông ra thăm đường- con đường mà ông từng tốn nhiều công sức vác đá xếp ngay thẳng thì vào lúc đó đã bị trâu bò, xe cộ cày xé nát bét. Xót lòng, ông vác cuốc, xẻng ra sửa ngay. Gần một năm miệt mài đào lấp, con đường rồi cũng bằng phẳng trở lại. Nhưng hơn ai hết, ông biết con đường còn yếu lắm. Thế là ông tìm vào các khu rừng hoang nhặt đá chất đầy xe cút kít rồi đẩy ra xếp trên đường. Ngày này qua tháng kia, rồi đá cũng dần hết mà đường thì vẫn chưa làm xong. Ông đánh liều ra cửa hàng vật liệu xây dựng của ông Hiệp mua thiếu nợ đá và cát đổ cho đường. Chủ vựa vật tư chẳng những đồng ý bán thiếu mà còn cho ông mượn xe tải vận chuyển. Bà con trong xóm thấy ông Túc làm vậy nên cũng góp tay vào. Vậy mà ông không quên công ai hết: Người nào nghèo thì ông về nhà "chôm" gạo của vợ để trả công cho họ. Có người không nhận thì ông trả bằng quà bánh, những tiệc nhậu cũng từ tiền "trộm" được ở cửa hàng tạp hóa của vợ. Vợ con ông chẳng những không phiền lòng mà còn ủng hộ bằng cách góp trên mười triệu đồng để ông mua vật tư làm đường.

* Kỳ tích về  một con đường

Người dân trong xóm quả quyết rằng, bàn tay, bước chân ông đã không ít lần đặt lên từng cen- ti- mét mặt con đường be ở ấp 6 dẫn vào khu rẫy đồi Rô- mô. Bởi vì, ông đã nhặt từng viên đá để xếp liền nhau suốt con đường có chiều dài hơn 1.500 mét ấy. Và hàng ngày ông vẫn tới lui chăm sóc con đường như thể chăm sóc bản thân mình! Một viên đá bị văng ra khỏi vị trí, một chỗ đất trên mặt đường bị ai đó vô tình cày xới lên là ông đi lấp lại liền. Thậm chí, một vỏ hạt điều, một cọng cỏ rơi vãi trên đường cũng được ông nhặt lên bỏ vào thùng rác.

Ông Túc bên chiếc xe cút kít... và cùng cháu ngoại trồng chuối trong nghĩa địa Phú Lâm.

Tuy nhiên, do con đường vốn nhiều dốc nên hễ mưa lớn là bị nước lũ cuốn đi lớp đất, cát, đá trên mặt. Điều đó khiến ông phải đau đầu, suy nghĩ nhiều ngày. Cuối cùng, không còn cách nào khác, ông lại kỳ công moi từng cục đá lên, rồi đào đất ở đồi dốc cao đem lấp xuống chỗ trũng. Nhưng ông lo khi mưa to, lũ lớn, con đường bị ngập, đất đá bị cuốn đi nên lại ra sức đào mương, làm cống thoát nước. Cứ thế, công việc làm đường của ông chưa bao giờ hết. Ngàn ngày như một, khi mọi người thức dậy đi chợ, các cháu nhỏ cắp sách đến trường thì đã thấy ông đào đất, xếp đá ở ngoài đường. Trưa, khi mọi người đi rẫy về vẫn thấy ông cặm cụi làm cỏ, quét đường. Chiều tối, khi nhà nhà đã lên đèn thì ông vẫn miệt mài đẩy xe cút kít chở đầy đất, đá. Ông làm việc không kể ngày lễ, tết. Gặp những hôm mưa bão lớn ông cũng chỉ mặt thêm mỗi chiếc áo mưa tự chế còn công việc làm thì vẫn diễn ra bình thường. Các con ông kể, 20 năm với hơn 7.000 ngày trôi qua nhưng ông chỉ vắng mặt trên cung đường chỉ khoảng vài chục hôm. Đó là những ngày ông bệnh nặng phải nằm điều trị tại bệnh viện. Nhưng hễ thấy ăn được chút cháo là ông đòi về nhà và lao ra đường làm việc ngay. Nhiều người hỏi vì sao ông "mê" con đường đến vậy thì trước sau chỉ nghe mỗi câu trả lời: "Tôi mà không ra đường lao động là không sống nổi!" Gọn gàng một câu đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Con đường miền quê hiền hòa ấy giờ đây là một phần của cuộc đời ông. Nó là bạn "tâm tình" của ông mỗi sáng, mỗi chiều. Nhưng nó cũng chính là vị cứu tinh của ông. Vì có nó, ông mới có công việc để làm, để thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Nó đã giúp ông chiến thắng bệnh tật, quên đi tuổi già nay yếu mai đau. Có những lúc làm nặng, khối ruột non nằm bên ngoài thành bụng hơn 20 năm qua lại sưng to và quặn đau dữ dội. Có những đêm không ngủ được, ông nghe tiếng xương khua đau buốt. Vậy mà sau những cơn đau, sáng ra nhìn con đường, lạ làm sao,  ông thấy mình khỏe re.

Rồi mấy năm gần đây, thấy nghĩa địa Phú Lâm cỏ mọc um tùm, trâu bò vào quậy phá, người dân vô ý đổ rác bừa bãi nên ông tự nguyện đứng ra làm người bảo vệ, chăm sóc. Toàn bộ đám cỏ mắt mèo, mắc cỡ đầy gai mọc chằng chịt tồn tại nhiều chục năm qua rồi cũng chào thua ông. Thấy ông làm đẹp cho nghĩa địa, nhiều người dân cũng ý thức không thả súc vật, xả rác bừa bãi nữa. Bây giờ nghĩa địa Phú Lâm chẳng những sạch mà còn đẹp vì có bàn tay của ông chăm sóc, lau chùi từng ngôi mộ. Ông còn trồng hoa, trồng chuối và cây lâu năm để tạo vẻ đẹp, bóng mát cho nghĩa địa.

Gần một tháng nay, trên huyện thông báo sẽ mời ông về Biên Hòa dự đại hội thi đua tỉnh Đồng Nai lần thứ III, các con ông lo đi may quần áo mới cho bố mình. Không phải ông không có quần áo mới, nhưng ai sắm cho bộ nào ông lại "lén lén" đem cho những người nghèo. Thậm chí ngay cả mùng, mền ông cũng đem cho "người khổ hơn mình" chỉ chừa lại mỗi chiếc chiếu lót lưng đã mấy bận vá chằn, vá đụp...

 Phong Vũ

 

 

Tin xem nhiều