Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi phái đẹp lái xe ôtô

10:07, 29/07/2005

Với nhiều gia đình, khi đời sống kinh tế khá lên, họ thường nghĩ tới chuyện "tậu" một chiếc ôtô để làm phương tiện đi lại. Do vậy không chỉ có các ông mà còn có khá nhiều quý bà, quý cô cũng muốn làm chủ vô-lăng ôtô.

Một "người đẹp" đang thực hành lái tại sân tập.

Với nhiều gia đình, khi đời sống kinh tế khá lên, họ thường nghĩ tới chuyện "tậu" một chiếc ôtô để làm phương tiện đi lại. Do vậy không chỉ có các ông mà còn có khá nhiều quý bà, quý cô cũng muốn làm chủ vô-lăng ôtô.

* Câu chuyện về những vô-lăng nữ

Phụ nữ cầm lái thường là họ  muốn chủ động trong việc đi lại hoặc có thể lái xe trong những tình huống cần thiết, mà không phải  làm phiền tài xế, dù đó là... ông xã.

Chị Huỳnh Thị Bích Phượng, Phó giám đốc Công ty du lịch Đồng Nai, Giám đốc khách sạn Hòa Bình, cho biết: "Với đặc thù công việc của mình phải đi lại không theo giờ giấc cố định, có khi đi sớm về khuya, có khi phải ghé chỗ này, chỗ nọ, nếu yêu cầu tài xế cũng đi thôi nhưng rất phiền toái, vì không bảo đảm được ngày làm việc 8 giờ cho anh ta. Chưa kể đến việc phiền hà khi phải hẹn tài xế, chờ xe khá bất tiện. Mình phải tự lái để chủ động hơn trong công việc. Chị kể: "Ngày ấy phụ nữ đi học lái xe quá ít. Trường dạy lái lúc ấy chỉ có mình là nữ, lại quá bận công việc nên các anh ở trường lái cũng rất quan tâm, chiếu cố cho về nhà tự học. Dù đã được cấp bằng lái, nhưng từ việc thực hành lái có thầy ngồi kèm một bên ở sân tập đến xử lý "nghìn lẻ một" tình huống trên đường đi hàng ngày khác hẳn nhau, nên mình cứ theo phương  châm "chậm mà chắc". Nhưng một sự cố khiến mình nhớ đời khi một buổi sáng mới cho xe ra khỏi nhà chưa lâu thì... mất thắng. Lúc đó tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, nhưng mình vẫn cố trấn tĩnh cho xe "lủi" vào đống cát bên đường. Thoát nạn, nhưng run tay vài ngày không lái tiếp được".

Con chị Phạm Thái Bảo Khanh, chủ một tiệm kinh doanh đồ gỗ giả cổ ở phường Thanh Bình (TP. Biên Hòa) chiều nào cũng mang chiếc xe Daewoo màu xanh cốm đến Trường mẫu giáo Hướng Dương để đón con. Thấy chị dừng đỗ, lùi xe hay trở đầu xe khá nhuyễn, tôi hỏi về "thâm niên" cầm lái của chị. Chị Khanh tâm sự: "Mình học lái được hơn 3 năm. Do điều kiện công việc đi lại thường xuyên nên  phải mướn tài xế mỗi tháng một triệu đồng. Nhưng đôi lúc "hắn" trở chứng lấy lý do sức khỏe để xin nghỉ. Mà "hắn" nói không khỏe, mình đâu dám nài ép. Sau do ông xã mình đi học, lái tốt. Nhưng thường khi giao dịch với khách hàng xong phải nhậu. Mỗi lần thế, leo lên xe mà bụng mình đánh lô tô đến khi về nhà mới hoàn hồn. Vì công việc, không đi không được, mà cứ kiểu này chắc... tổn thọ. Thế là mình quyết định đi học lái. Đơn giản chỉ để thay anh ấy trong những tình huống đột xuất kiểu đó".

Còn chị Nguyễn Hồng Thúy (ở phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa), giám đốc một công ty tư nhân chuyên về in ấn có văn phòng ở quận 3 (TP.HCM) có hơn 4 năm kinh nghiệm ngồi sau vô-lăng. Mỗi ngày chị Thúy đều lái xe đến văn phòng của mình để làm việc. Mọi hoạt động giao dịch cũng như đi lại chị cứ một mình một "con" xe rong ruổi. Cũng  quan niệm như chị Phượng, chị Thúy nói: "Thuê tài xế đôi lúc cũng bất tiện vì công việc của mình không theo giờ giấc gì cả. Có khi phải đi sớm, về khuya, ghé chỗ này, đến chỗ nọ mà yêu cầu những lúc ngoài giờ như thế cũng ngại cho tài xế, nên tôi  quyết định đi học lái để chủ động việc đi lại". Nói về kinh nghiệm lái ôtô, chị cho biết: "Lái ôtô cũng không khó lắm. Có điều phải thật bình tĩnh để xử lý những tình huống bất ngờ. Một vài bạn hàng khi đi xe chung với mình nói thấy yên tâm hơn ngồi tắc-xi. Điều này dễ hiểu vì phụ nữ lái xe thường cẩn thận, không thích lạng lách, không dám cố vượt xe lớn trong những pha nguy hiểm. Hơn nữa phụ nữ chỉ thích chạy ở vận tốc 60-80 km/giờ ngoài xa lộ vì  sợ không xử lý kịp với những pha bất ngờ" . Một trong những chuyện mà mỗi khi nghĩ đến vẫn làm chị run: "Đó là một lần khi đang lái xe trên xa lộ Hà Nội thì một lóng gỗ trên một chiếc xe tải chở gỗ phía trước bất ngờ rớt xuống, may lúc ấy mình đi chậm. Nếu không chắc... tiêu đời rồi!".

* Học lái ôtô - nhu cầu thực tế của nhiều phụ nữ

Ông Nguyễn Lương Hữu, Hiệu trưởng Trường công nhân kỹ thuật giao thông vận tải Đồng Nai cho biết: Hiện nay nhu cầu học lái ôtô của phụ nữ là khá lớn. Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã tổ chức được 7 khóa dạy lái ôtô. Mỗi khóa khoảng 200 học viên, trong đó có từ 30-40 học viên nữ. Hiện nhà trường đã đóng sổ năm 2005 và  đang nhận học viên cho năm 2006. Điều đó chứng tỏ nhu cầu học lái ôtô của nhiều người, trong đó có phụ nữ đang trở thành phong trào. Dù trong số ấy, cũng có số ít  người học lái ô-tô theo... mốt thời thượng, "thấy người ta học, mình cũng học", đa số còn lại đều học với mục đích nghiêm túc, vì học phí khá cao (khoảng 2 triệu đồng/ khóa), thời gian học cũng mất khoảng 8 tuần. Về giới nữ, đến với trường lái thường  là những phụ nữ có công ăn việc làm khá, thu nhập kinh tế cao cũng như thành đạt trong sự nghiệp.

Trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam, lái xe ôtô là việc của đàn ông, vì các ông  có những ưu điểm như khỏe mạnh hơn, bình tĩnh hơn và xử lý các tình huống tốt hơn phụ nữ. Nhưng khi đến trường dạy lái, suy nghĩ của chúng tôi đã khác. Nhận xét ban đầu về những tay lái nữ đã và đang học ở trường, ông  Hữu cho biết: "Phụ nữ học lái ôtô tuy tiếp thu chậm, nhưng bù lại họ rất chăm chỉ, cầu tiến... Lần đầu tiên ngồi sau vô lăng, tự mình điều  khiển cho xe chạy, nhiều chị em rất sợ và run. Nhưng qua lần thứ hai, thứ ba, họ tiến bộ nhanh. So với nam giới, trong khi tập lái thực địa, những vi phạm như va chạm, leo lề, cán mức vạch của nữ ít hơn. Cánh đàn ông có phần bạo hơn và thường ... liều hơn". Ông Hữu cũng kể cho chúng tôi nghe một chuyện vui về trường hợp hai vợ chồng cùng đi học lái. Mặc dù người chồng đã biết chạy xe, nhưng khi thi thực hành lái lại rớt, còn người vợ lại đậu với số điểm khá cao (!)

Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, chủ một công ty tư nhân sản xuất keo dán các loại ở phường Tân Mai cho biết: "Mình đi học để mỗi tối sắp xếp  các xe vào bãi. Nhà mình có mấy chiếc ôtô để vừa chở người, vừa chở hàng. Tối đến các tài xế về hết, gặp hôm ông xã không có nhà nên phải tìm, phải gọi  tài xế cho xe vào bãi khá mất thời gian. Bây giờ học, biết rồi, mình có thể tự làm việc này mà không phải  chờ đợi. Hơn nữa, mỗi khi muốn chở con về thăm gia đình ngoại ở TP.HCM, bốn mẹ con chở nhau bằng xe máy không được, lại không an toàn thì việc học lái để tự chở các con đi là rất tiện lợi".

Anh N.T.S, một giáo viên nam dạy thực hành lái cho biết: "Kèm tay lái nữ cũng... vui. Với họ, giáo viên phải tâm lý hơn, động viên và quan tâm nhiều hơn. Nhưng nhiều  cô... làm nũng quá khi cứ níu áo thầy năn nỉ cho được chạy thêm vài vòng, dù đã hết giờ. Không cho thì mặt cô ấy "méo" thấy thương. Có cô nhà có xe riêng, chiều chiều chạy xe lên trường... rủ thầy đi "nhậu" để khoe xe. Nói chung, quý bà, quý cô đi học lái  xe thường... rối hơn nam giới, nhưng có họ, chúng tôi thấy công việc ý nghĩa hơn!".

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều