Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảm nhận từ Washington
Bài 3: Câu chuyện bên dòng Mississippi

09:07, 04/07/2006

Sông Mississippi có tên chính là Choctaw - cha của những nguồn nước. Người Mississippi rất lấy làm tự hào về dòng sông đại diện cho một vùng rộng lớn của nước Mỹ; bắt nguồn từ biên giới phía Tây và rộng dần ra ở phía Bắc.

Casino Amerista bên bờ sông Mississippi.

Sông Mississippi có tên chính là Choctaw - cha của những nguồn nước. Người Mississippi rất lấy làm tự hào về dòng sông đại diện cho một vùng rộng lớn của nước Mỹ; bắt nguồn từ biên giới phía Tây và rộng dần ra ở phía Bắc.  Sông Mississippi là mạch sống của cả vùng, là đường giao thông thủy thuận tiện. Chính con sông này đã là nguồn cảm hứng của hai cuốn sách kinh điển trong văn học Mỹ: "Cuộc chiến trên dòng Mississippi" và "Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn" của nhà văn Samuel Clemens, bút danh Mark Twain, quê gốc vùng  Missouri. Thế nhưng những người bạn Mỹ mà tôi có dịp gặp, khi nghe nói chúng tôi sẽ dừng chân tại Mississippi,  đã "le lưỡi,  lắc đầu" và  tỏ vẻ ngao ngán  giùm cho chúng tôi. Theo họ, nơi đó buồn và nghèo, cũng chẳng có mấy cơ hội để lập nghiệp, tiến thân. Chính vì những cái lắc đầu ấy lại càng thôi thúc tôi muốn tìm hiểu xem có những gì ở Mississippi...

 

Về mặt "không khí", Mississippi có vẻ buồn thật đối với những người quen sống ở đô thị sầm uất với những nhà cao tầng san sát, với những trạm xe tàu điện, xe buýt; với nhiều nhà hàng, siêu thị... thành phố Jackson, thủ phủ  của bang Mississippi không có dáng vẻ như vậy. Có lẽ do đất rộng, người thưa nên thành phố thật yên tĩnh và thiếu bóng dáng người đi bộ trên các con đường. Trong một buổi chiều có vẻ "buồn buồn" như vậy, tôi đã tìm thấy tòa soạn báo Jackson Advocate bên một con đường.

 

* Có một nhà báo da đen 52 lần đi tù

 

Chủ nhân tờ báo là bà Alice Tisdale. Chồng của bà, ông Charles Tisdale đã là chủ bút tờ báo này hàng mấy chục năm nay. Ông Charles Tisdale năm nay đã 79 tuổi, nhưng dường như tinh thần vẫn "thép" như khi ông còn trẻ.  Ông đã từng làm cho nhiều tờ báo như New York Times, Amtesdam News, Chicago News... trước khi ông về làm chủ bút tờ báo vùng Mississippi này. Và tờ Jackson Advocate là niềm tự hào của dân da đen vùng Mississippi với 68 năm tồn tại và nổi tiếng về sự đấu tranh cho bình đẳng sắc tộc trong báo giới cả liên bang. Ông Tisdale nhẩm tính : Cuộc đời tôi đã có 33 lần ra tòa và 52 lần vào tù, thế nhưng đó chẳng là điều làm tôi sợ hãi. 73% dân số ở Mississippi này là da đen, tôi không muốn nhìn thấy người da đen chúng tôi bị kỳ thị...

Câu chuyện của ông thì dài như bao thế hệ người da đen đã sống trên mảnh đất này. Ông đã từng sát cánh đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da đen cùng với nhà lãnh đạo da đen nổi tiếng trong thập niên 1950-1960 ở Mỹ là Tiến sĩ Martin Luther King. Ông nói: "Hồi đó, nạn kỳ thị  đã đẩy nhiều người da đen bị đưa ra xét xử oan ức và trong họ đã có nhiều người nêu cao tinh thần bất khuất: Thà bị chôn chứ không thể làm nô lệ! Chính điều đó đã thôi thúc trong tôi con đường đấu tranh cho quyền bình đẳng của những người Mỹ gốc Phi". Và cũng chính ông, chuyện hồi trẻ bị những người cảnh sát da trắng gọi ông khi thấy ông và vài đồng nghiệp lui tới một tòa soạn báo: "Mấy thằng mọi da đen, đi chỗ khác, đừng có đứng làng chàng ở đó...! "Hoặc "Chào buổi sáng, thằng mọi da đen" là điều sỉ nhục ông chẳng thể quên.

Thời trai trẻ, ông cũng đã từng phải tham gia chiến tranh trong guồng máy quân đội Mỹ tại Triều Tiên. Nhưng điều ông cho là may mắn là sau đó ông đã biết mình phải làm gì cho đúng nên đã không tham gia vào lực lượng quân đội Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Vì vậy, giờ đây gặp khách đến từ Việt Nam, ông tỏ ra rất vui vì đã may mắn không có mặt trong cuộc chiến tại Việt Nam trước đây. Ông tâm sự: Thời nay, người da đen đã được công nhận bình đẳng trên luật pháp và người da đen cũng đã tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội như tất cả những công dân Mỹ khác. Thế nhưng theo ông, sự kỳ thị không phải đã hết hẳn trong nhận thức của tất cả mọi người; đồng thời trong nội bộ bản thân những người da đen cũng có những vấn đề cần phải được tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức để khẳng định mình trong xã hội. Vì vậy, sứ mạng của tờ Jackson Advocate vẫn còn tiếp diễn. Tôi hỏi ông về vấn đề tài chính của tờ báo, ông cho biết trong một thị trường báo chí cạnh tranh như ở Mỹ thì  tờ Jackson Advocate ở cái bang mà nhiều người  nghe nhắc đến tên đã "phát ngán" này thì đâu phải thần thánh gì mà  tránh được những lúc  khó khăn.  Cái quan trọng là không được bỏ cuộc. Với ông và các đồng nghiệp, dù cho đã có lúc có người đến phá văn phòng làm việc và những lúc tờ báo lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, ông vẫn chưa bao giờ ngưng xuất bản một kỳ nào và cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc đình bản, đóng cửa tờ báo. Và điều mà tờ báo cho là danh giá là tiếng nói của tờ báo rất có trọng lượng với chính quyền, với các ứng cử viên bang hay liên bang. Bởi lẽ cũng đã có những ứng cử viên "cay đắng" với Jackson Advocate vì đã không được tờ báo ủng hộ nên bị thất cử!

Giờ đây tuổi đã cao, việc quản lý trông coi tờ báo do bà Alice Tisdale, vợ ông gánh vác. Tờ báo vẫn bám vào mục tiêu không ngừng đấu tranh đối với khó khăn kinh tế và các vấn đề xã hội thường gây ảnh hưởng lớn đến người Mỹ gốc Phi ở thành phố Jackson và bang Mississippi. Tờ báo có 14 phóng viên, mỗi tuần xuất bản 1 kỳ. Bà Alice làm việc trong Ban biên tập và mới đây bà đã tách ra lập một công ty in ấn, tuyển dụng những phụ nữ đã từng phải đi tù vào làm việc. Cách làm của bà Tisdale đã được đánh giá cao và được cộng đồng chú ý.

 

* Nhà giàu cũng lo

 

Với chiều dài từ Bắc đến Nam là 450 miles (1 mile khoảng 1,6km), 180 miles từ Đông sang Tây, trong đó có hơn 47.700 dặm vuông gồm thung lũng và đồi;  những thành phố lớn và thị trấn nhỏ; những cánh rừng, đồng cỏ; lạch, hồ và nhiều đất chăn nuôi, trang trại lớn. Thế mạnh của Mississippi là kinh tế trang trại sản xuất bông vải, đậu nành và cá da trơn - được xem là số một của cả nước về cá da trơn. Nếu như phía Nam của bang mạnh về sản xuất gỗ thông thì  phía Bắc lại là nơi có những cánh rừng gỗ cứng. Như vậy, Mississippi chẳng phải là vùng đất nghèo vì tài nguyên rừng, sông đã tạo cho vùng đất này có những lợi thế hơn nơi khác. Theo tính toán, bang Mississippi có khoảng 2,844 triệu người với 36% là dân thiểu số; có hơn 106.210 người tự làm chủ doanh nghiệp trong số hơn 159.700 doanh nghiệp toàn bang. Trong đó có một số doanh nghiệp (DN) dịch vụ có ý nghĩa đáng kể phục vụ đời sống cộng đồng như chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội , bán lẻ, phục vụ thực phẩm tận nhà và gần đây sự phát triển ngành công nghiệp giải trí (Gaming Industry) ở một số quận của bang đã góp phần cải thiện đáng kể vào sự phát triển của địa phương như Tunica ở phía Bắc, một trong những quận nghèo nhất Mississippi, hoặc một số quận dọc theo sông Mississippi như Natchez, Vicksburg...

Tuy vậy,  theo một Trung tâm trợ giúp pháp lý cho người nghèo và người lớn tuổi ở Mississippi, nếu căn cứ vào chuẩn nghèo (thu nhập dưới 25.000USD/hộ/năm) thì ước lượng con số người  nghèo khoảng 548.000 người. Sau cơn bão Katria năm rồi, cả liên bang và bang, cùng với các tổ chức xã hội khác vẫn còn phải tập trung giải quyết những vấn đề hậu quả, chăm lo đời sống cư dân miền sông nước bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Quỹ Trung Nam Mississippi có cựu Tổng thống Bill Clinton là Sáng lập viên danh dự hiện vẫn đang thực hiện các dịch vụ cung cấp cho cộng đồng kém may nhằm giúp họ tận dụng được các chương trình giáo dục để học về thương mại ứng dụng với hy vọng giúp họ không còn phải nhận trợ cấp, có khả năng mua được nhà trả góp... Còn nhà báo Charles Tisdale thì đưa ra con số: "Hiện thời chỉ ở thành phố Jackson thôi có đến 93% là học sinh da đen, nhưng không có người lãnh đạo nào là da đen cả. Ở đây cần phải nhìn nhận rõ thực trạng về trình độ, năng lực và khả năng phấn đấu của các em. Người nghèo nhiều, trẻ em không chịu học hành, phấn đấu thì sẽ nảy sinh vấn đề tội phạm. Ở đây tội phạm nhiều, ông thị trưởng đi đâu cũng phải có cảnh sát hộ tống!"...

Dù đất đai rộng lớn, sống trong liên bang Hoa Kỳ giàu mạnh nhất thế giới nhưng câu chuyện bên dòng Mississippi trong quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn còn vương vấn...

Mississippi, một chiều tháng 6-2006

            Kim Loan

 

Tin xem nhiều