Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nằm vùng" trong lòng "thánh địa" Hố Nai

10:07, 03/07/2006

Thực hiện chế độ quân quản trong những ngày đầu vừa giải phóng, ở thị trấn Long Thành có chuyện đi lãnh xăng bằng giấy viết tay. Cán bộ được giao quản lý cây xăng cứ nhìn thấy miếng giấy có chữ ký Đỗ Hùng Kiệt của ông Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản huyện Long Thành là bao nhiêu lít cũng xuất.

Đại tá điệp báo Đỗ Hùng Kiệt đang chăm sóc mảnh vườn nhà ở huyện Thống Nhất.

Thực hiện chế độ quân quản trong những ngày đầu vừa giải phóng, ở thị trấn Long Thành có chuyện đi lãnh xăng bằng giấy viết tay. Cán bộ được giao quản lý cây xăng cứ nhìn thấy miếng giấy có chữ ký Đỗ Hùng Kiệt của ông Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản huyện Long Thành là bao nhiêu lít cũng xuất. Còn mọi chuyện mua bán mặt hàng chiến lược này đều tạm thời bị đình chỉ. Trong đông đảo cán bộ kháng chiến lẫn nhân viên tạm tuyển sau ngày 30-4 ở Long Thành, cái tên Tư Kiệt (Đỗ Hùng Kiệt) có ấn tượng mạnh vì vị sĩ quan an ninh này là trưởng ban bảo vệ an ninh huyện Long Thành trong những ngày chiến trường đang sục sôi, ác liệt trước bước chân thần tốc của đại đoàn quân cách mạng. Trước đó nữa, khi Hiệp định Paris được ký kết, an ninh tỉnh Biên Hòa đã chọn Đỗ Hùng Kiệt làm sĩ quan liên lạc tham gia phái đoàn quân sự trong liên hiệp quân sự 4 bên để giám sát việc thi hành hiệp định.

Chế độ quân quản kết thúc, Tư Kiệt được phân công làm Trưởng công an huyện Long Thành. Nhưng ở cương vị này, chỉ hơn 2 tháng, ông lại được rút về Ty Công an để giao trực tiếp lo hai chuyên án nổi cộm thời bấy giờ là triệt phá tổ chức phản động "Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam" do tên Trần Phúc Tâm cầm đầu. Tiếp đó là triệt phá tổ chức phản động "Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam 2" do tên Nguyễn Văn Vàng - một nhân viên CIA đội lốt linh mục cầm đầu. Tổ chức phản động này đã quy tụ được hàng ngàn ngụy quân, ngụy quyền ở khắp 12 tỉnh, thành vào tổ chức. Chỉ riêng ở Đồng Nai, bọn này đã xây dựng 10 khung sư đoàn, 10 khung trung đoàn và nhiều khung tiểu đoàn trực thuộc. Đồng Nai được chọn làm xuất phát điểm cho cuộc bạo loạn cướp chính quyền. Cùng với đồng chí Bảy Bình (Lê Quốc Bình) trực tiếp xuống địa bàn Hố Nai (huyện Thống Nhất) gặp gỡ, rà soát lại các cơ sở mật của mình ở đây, Tư Kiệt đã nhanh chóng xác định được cơ cấu tổ chức cùng toàn bộ mưu đồ của tổ chức phản cách mạng này. Qua đó, Tư Kiệt đã tích cực góp phần cùng Cục chống phản động kịp thời bóp chết ý đồ ngông cuồng của bọn phản động lợi dụng đạo Công giáo.

Vừa dọn sạch xong cái gọi là tổ chức "Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam", Đỗ Hùng Kiệt lại được cử về huyện Thống Nhất để làm Trưởng công an. Do địa bàn này đang trỗi dậy nhiều nhóm chính trị, tổ chức phản động. Và cũng vì Thống Nhất là địa bàn mà người sĩ quan điệp báo này đã có đến 8 năm "nằm vùng" hoạt động và có những mối thâm tình rất sâu sắc.

Ngày 7-10-1967, Trung ương Cục quyết định giải thể khu miền Đông, thành lập 5 phân khu để củng cố lại chiến trường nhằm tạo những quả đấm thép tiến công vào các thị xã, thị trấn, đánh sập chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ ngụy. Đối với an ninh khu miền Đông, Trung ương Cục chỉ thị là trước khi giải thể phải tăng cường cán bộ cho an ninh phân khu 4 và lập ra một trung đội trinh sát vũ trang. Riêng Tư Kiệt - chánh văn phòng của an ninh T1 được chuyển sang tổ điệp báo với nhiệm vụ thâm nhập vào địa bàn đồng bào Công giáo di cư để xây dựng cơ sở điệp báo, chuẩn bị cho "một cuộc làm ăn lớn". Nhóm công tác đặc biệt mang bí số B3, trong đó có 3 cán bộ công an vừa ra đến được Định Quán thì bị phục kích làm một đồng chí hy sinh tại chỗ, còn Tư Kiệt bị thương ở đùi, được đồng chí Hai Lợi dìu về nhà cơ sở ở huyện Thống Nhất. Sau khi mổ và gắp viên đạn ra mới được 7 ngày, vết thương chưa liền miệng, Tư Kiệt đã vội vã xuống địa bàn được giao. Lúc này, Ba Rịch đang là bí thư chi bộ xã Hố Nai. Ba Rịch cũng là "dân an ninh" nên nghe nhiệm vụ của Tư Kiệt liền nói: "Khó lắm! Bà con ở đây là dân Công giáo di cư đều là người lao động cần cù, chịu thương chịu khó làm ăn nhưng bị đầu độc lâu ngày bởi luận điệu tuyên truyền của Mỹ ngụy cho là "Người cộng sản vô thần, rất ác ôn, không đội trời chung với tôn giáo"..., "Người cộng sản mà gặp được người di cư theo đạo Công giáo sẽ bắt moi gan, móc ruột"... nên họ chỉ nhác thấy bóng tụi mình từ xa liền báo động: "Cậu Ba!" và tháo chạy mất! Ở đây họ gọi cán bộ cách mạng mình là "cậu Ba" và gọi đám ngụy quân, ngụy quyền là "cậu Hai". Đồng chí Ba Rịch còn kể thêm: "Có lần anh em mình tổ chức chận một số bà con ở Hố Nai đi vào rừng để đốn củi, làm rẫy được trên 30 người, sau khi tuyên truyền cho họ chính sách 10 điểm của Mặt trận giải phóng miền Nam và dặn họ khi về đừng nói với ai là đã gặp cán bộ giải phóng, thế nhưng họ hãi hùng quá về nhà lớn tiếng báo động và cuốn gói vào ở hết trong nhà thờ Trà Cổ!".

Qua điều nghiên, Tư Kiệt biết được là ở ấp Bùi Chu thuộc Hố Nai có 17 gia đình người miền Nam tản cư từ vùng quê lên đây lánh nạn và sinh sống làm ăn. Mặc dù đã học tập, công tác ở miền Bắc cả chục năm, nhưng Tư Kiệt vốn là người sinh trưởng ở Vị Thanh - Chương Thiện (nay là tỉnh Hậu Giang) nên việc tiếp cận và móc nối số đồng bào Nam bộ ở ấp Bùi Chu khá thuận lợi. Sau khi đã mở được lõm chính trị ở Bùi Chu, Tư Kiệt bèn đóng vai người lái bò để tìm cách lân la vào các giáo xứ toàn tòng trên đất Hố Nai. Từng bước phá vỡ được hàng rào ngăn cách, nghi kỵ, Tư Kiệt đã lần lượt móc nối, xây dựng được các cơ sở mật và một mạng lưới cung cấp tin tức đặt tình khắp từ ấp Thanh Hóa, Trà Cổ đến tận ngã ba Chợ Sặt. Trong đó có một chủ cơ sở làm đồ mộc ở Tân Hòa có con là trung úy an ninh quân đội ngụy đang tùng sự ở tiểu khu Biên Hòa. Chủ cơ sở mộc này ngoài việc tự nguyện đóng thuế hàng tháng cho "giải phóng" còn đứng ra giới thiệu "ông Kiệt chủ be" với tên ấp trưởng, ban hành giáo và linh mục chánh xứ nhà thờ Bắc Hà. "Ông chủ be Kiệt" là người chịu chơi và rất hào phóng, không những bảo đảm cho những chuyến xe gỗ ra vào rừng trót lọt mà còn thường xuyên tặng cho những quan chức này khi thì cái đùi nai, miếng thịt mễn, con cheo... còn tươi rói với cả kết lave. Thế nên, Tư Kiệt ngoài chuyện có thể ung dung ngồi xe honda hoặc traction đen đi khắp Hố Nai - "thánh địa của đạo Công giáo ở miền Nam", còn khá dễ dàng nhờ cha xứ lên tiếng bênh vực hoặc bảo lãnh cho cơ sở mật, liên lạc của ông chẳng may rơi vào tay bọn lính. Trong thời điểm mà ngụy quyền tỉnh Biên Hòa dán lệnh truy nã khắp nơi với nội dung là trọng thưởng cho bất cứ ai điềm chỉ hoặc tố giác Việt cộng thì "tên Việt cộng nằm vùng" Tư Kiệt vẫn ung dung ngồi ăn hủ tiếu, uống lave (bia) ở Bàu Hàm. Vùng Bàu Hàm là nơi  tập trung đông đồng bào Hoa Nùng mà hầu hết là gia đình binh sĩ của bọn tàn quân Vòng A Sáng. Cũng chính nơi đây, sau đợt tổng công kích Mậu Thân, nhiều cơ sở mật ở Hố Nai bị lộ, Tư Kiệt đã dạt qua để "móc lõm". Nhưng vừa gặp người dân nào, ông xáp tới đã nghe họ nói: "Mậu xì coỏng, mậu xì phéng" (không hiểu, không biết) rồi bỏ chạy mất. Thế là anh cán bộ điệp báo Tư Kiệt đành phải "chém vè" ngoài bìa rừng và sống suốt ba tháng liền chỉ toàn bằng rau muống và củ mì.

Còn nữa những kỷ niệm mà ông Tư Kiệt không thể nào quên. Đó là đêm 15-1-1968, nghe tiếng súng nổ, đồng chí Đỗ Hùng Kiệt lúc đó là phó ban an ninh huyện Trảng Bom  vội huy động lực lượng đi giải vây cho nhóm cán bộ đội ấp Trà Cổ trên đường trở về lọt ổ phục kích. Lực lượng đi giải vây lại đụng địch phục kích thế mà vẫn đưa được xác đồng chí Ba Rịch, thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban an ninh kiêm bí thư chi bộ cánh Tân Bắc (nay là xã Hố Nai) về được căn cứ để làm lễ an táng. Và sau đó, khi được chỉ định thay thế đồng chí Ba Rịch, Tư Kiệt lại chỉ huy mặt trận B3 phối hợp cùng bộ đội C24 đánh bức cầu suối Đĩa, diệt gọn cả trung đội bảo an.

Đầu năm 1984, khi được rút về tỉnh để nhận chức phó giám đốc Công an Đồng Nai cũng là lúc Tư Kiệt nhận cả quyết định đi K. Mãi đến năm 1987, sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về, đại tá Đỗ Hùng Kiệt mới chính thức làm Phó giám đốc Công an tỉnh phụ trách lực lượng an ninh. Ngồi chưa ấm chỗ, đại tá Tư Kiệt lại phải cùng cán bộ chiến sĩ phòng PA17 gấp rút xuống công trình thủy điện Trị An để làm rõ sự cố bất thường là liền một lúc 2 cần cẩu bị gãy dẫn đến nguy cơ phải đình lại lễ ngăn dòng hàn khẩu đập chính trên công trình trọng điểm của cả nước lúc bấy giờ. Cũng qua đó, lực lượng an ninh đã kịp thời "bịt" được nạn xe bồn chở xi măng ra bán tràn lan. Vừa dứt điểm nhiệm vụ ở Trị An, Tư Kiệt lại cùng cán bộ PA17 lên Công ty cao su Đồng Nai để tìm biện pháp ngăn chặn nạn "chảy máu vàng trắng". Tả xung hữu đột như thế gần như trở thành bản tính của người cán bộ an ninh dạn dày kinh nghiệm. Năm 1991, được nghỉ hưu, đại tá Đỗ Hùng Kiệt cùng vợ là Nguyễn Thị Nghĩa chọn cho mình một mảnh đất ở huyện Thống Nhất để chăm sóc vườn cây trái. Nhưng hình  như chỉ có bà Nghĩa là làm vườn. Con ông Tư hết sinh hoạt chi bộ lại tham gia tổ chức xã hội, nói chuyện chuyên đề...

Cuộc đời người chiến sĩ điệp báo này có những chuyện khá thú vị. Trong đó cho thấy là ông khá nặng nợ với ngành công an. Năm 17 tuổi, Kiệt bỏ nhà xin được tòng quân, nhưng bị chê là nhỏ tuổi và nhỏ con nên không được nhận, xin được chèo ghe chở bộ đội đánh trận Tầm Vu cũng bị từ chối. Mãi đến khi Vị Thanh lập thị xã mà thị đội quá thiếu người, Kiệt mới được nhận vào làm trinh sát. Nhưng mới đánh trận đầu, Tư Kiệt đã bị thương. Thấy lực lượng công an xung phong mới thành lập được trang bị cây "luộc" Anh (đại liên) rất oách, Tư Kiệt bèn xin qua. Kiệt được nhận vì đơn vị này đang cần người biết tiếng Tây để dịch tài liệu và truyền đơn (Đỗ Hùng Kiệt là một trong số ít thiếu niên thời đó ở đất Vị Thanh được ra Cần Thơ học đến lớp 5). Ra miền Bắc, Đỗ Hùng Kiệt lại được đưa qua một đơn vị pháo binh với chuyên ngành đào tạo là trắc địa. Nhưng số may đã mỉm cười với ông, Bộ Công an phát hiện là trong số xạ thủ này có chiến sĩ gốc Nam bộ và gốc công an xung phong bèn kéo trở lại ngành. Cuối năm 1965, trở về chiến trường miền Đông, Đỗ Hùng Kiệt mang tên Đỗ Hữu Tư.

Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều