Hotline: 0915.73.44.73 Quảng cáo: 0919118616 - 0912174545
Thứ 5, 10/07/2025, 01:46 En

Trường THPT Trấn Biên: Bài học chia sẻ

09:10, 06/10/2006

Năm học 2006-2007 là năm thứ 4 của Trường THPT Trấn Biên (được thành lập vào năm học 2003-2004 trên cơ sở tách ra trường THPT Ngô Quyền). Dù khá non trẻ nhưng hoạt động phong trào đã dần dần khẳng định được tên tuổi của ngôi trường lớn nhất nhì của tỉnh, đặc biệt là công tác xã hội.

Năm học 2006-2007 là năm thứ 4 của Trường THPT Trấn Biên (được thành lập vào năm học 2003-2004 trên cơ sở tách ra trường THPT Ngô Quyền). Dù khá non trẻ nhưng hoạt động phong trào đã dần dần khẳng định được tên tuổi của ngôi trường lớn nhất nhì của tỉnh, đặc biệt là công tác xã hội.

 

1. Bài học của buổi đầu tiên, học sinh Trường THPT Trấn Biên biết được là sự chia sẻ. Ngay buổi gặp mặt, ban giám hiệu nhà trường chúc mừng học sinh vừa trúng tuyển vào trường, thông báo quy định của nhà trường kèm theo những câu chuyện nho nhỏ. "Câu chuyện tôi dành kể cho các em là câu chuyện của các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vất vả vì cuộc mưu sinh hay những vùng quê còn thiếu thốn. Đó là những câu chuyện chúng tôi cóp nhặt được từ báo chí, tôi muốn các em nhận ra một điều, các em may mắn được đến trường, được tiếp tục con đường học hành trong khi nhiều bạn bè đồng trang lứa vì quá nhọc nhằn với miếng cơm manh áo mà dở dang việc học" - thầy hiệu phó Trần Minh Tâm kể. Vậy là những ngày sau đó, việc quyên góp tập vở cho học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa do Đoàn trường  phát động được chi đoàn các lớp ủng hộ nhiệt tình.

2. Mùa tuyển sinh năm 2004, em Nguyễn Văn Nguyện, học sinh lớp 12A trúng tuyển Trường đại học Luật TP.Hồ Chí Minh. Nhưng cảnh nhà Nguyện rất khó khăn: ba mẹ bán cà rem, nước sâm dạo nên khó lo nổi học phí và chi phí cho Nguyện nhập học. Biết chuyện, ban giám hiệu vận động học sinh trong trường quyên gióp giúp đỡ. Ngày khai trường, giáo viên, học sinh gom góp được hơn 6 triệu đồng làm hành trang cho Nguyện đến giảng đường.

Một trường hợp khác, một nữ học sinh chẳng may bị tai nạn giao thông trong lúc tan học. Chi phí thuốc men những ngày nằm viện vượt khả năng gia đình. Bạn bè trong trường lại chung tay đóng góp gần 5 triệu đồng. "Khoản tiền tuy không nhiều nhưng bạn bè biết giúp nhau lúc hoạn nạn là điều mà chúng tôi rất muốn các em học sinh của mình hiểu được. Tách ra từ trường THPT Ngô Quyền vốn có bề dày truyền thống với nhiều phong trào, hoạt động xã hội nên trường chúng tôi cũng thừa hưởng và phát huy truyền thống đó" - thầy Tâm tâm sự.

3. Bí thư Đoàn trường Phạm Thị Thanh Hà cho biết, những phong trào do Đoàn phát động đều được các chi đoàn, đoàn viên hưởng ứng tích cực trên tinh thần tự nguyện. Học sinh của trường có ý thức san sẻ giúp đỡ nhau. Nổi bật là các chương trình vận động xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa cho gia đình neo đơn, chính sách. Chỉ mới ba năm học, Đoàn trường đã quyên góp từ đoàn viên xây dựng được 3 căn nhà tình thương cho các hộ gia đình ở phường Tam Hoà. Ngoài ra, chương trình học bổng dành tặng học sinh nghèo, học tập tốt của trường được duy trì đều đặn với 6 suất/năm (mỗi suất 500 ngàn đồng). Và một điều nữa là, từ năm học đầu tiên đến nay, ngày khai trường luôn là một ngày thật đặc biệt với học sinh toàn trường. Đó là ngày trường tổ chức hội thu tập vở hưởng ứng chương trình "100 ngàn quyển tập cho học sinh vùng sâu, vùng xa" do báo Đồng Nai phát động. Phó Tổng biên tập báo Đồng Nai Đỗ Trung Tiến cho biết, năm học nào nhà trường cũng chuyển đến tòa soạn báo 10.000 quyển tập. Đây không chỉ là món quà đầy ý nghĩa mà còn là nghĩa cử cao đẹp của thầy trò Trường THPT Trấn Biên dành tặng cho học sinh nghèo trong tỉnh.

T.Trang

 

Tin xem nhiều