Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà Chuốt làm chuyện "bao đồng"

11:07, 07/07/2014

Những năm 1990, vùng đất ấp 4, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) chỉ có vài nóc nhà, đường dân sinh chỉ là những lối mòn cỏ phủ kín đầu. Ngày ấy, bà Phan Thị Chuốt vẫn chân trần băng rừng, lội suối tìm đến những túp lều nổi khói giữa bạt ngàn cây cao để tuyên truyền chính sách dân số, sức khỏe, pháp luật… cho người dân.

Những năm 1990, vùng đất ấp 4, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) chỉ có vài nóc nhà, đường dân sinh chỉ là những lối mòn cỏ phủ kín đầu. Ngày ấy, bà Phan Thị Chuốt vẫn chân trần băng rừng, lội suối tìm đến những túp lều nổi khói giữa bạt ngàn cây cao để tuyên truyền chính sách dân số, sức khỏe, pháp luật… cho người dân.

Sáng bà Chuốt ăn khoai, ăn bắp cho căng bụng để đi làm chuyện “bao đồng” cho đến trưa. Lỡ hôm hăng hái làm việc đến quên thời gian, bụng đói lúc giữa rừng thì bà vặt chuối, hái ổi bên đường ăn tạm để tăng lực cho đôi chân. Bà Chuốt tâm sự, có hôm bà lén chồng xúc trộm ít gạo đem tặng mấy đứa nhỏ thèm hạt cơm trắng bám xung quanh củ khoai, củ mì.

* Cãi chồng để làm chuyện tốt

Quê bà Chuốt ở tỉnh Bắc Ninh. Năm 1990, vợ chồng bà dắt díu 3 đứa con thơ vào vùng ấp 4, xã Vĩnh Tân lập nghiệp. Vùng đất ấp 4 lúc ấy đất đai bao la, dân cư thưa thớt, đường đi khó khăn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, trong suy nghĩ và hy vọng của vợ chồng bà Chuốt và nhiều dân di cư tự do từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung, vùng đất ấp 4 lúc ấy vẫn hơn rất nhiều lần so với vùng đất sỏi đá ở quê.

Đến bây giờ, bà Chuốt vẫn còn băng vườn rẫy để đi tuyên tuyền, gặp gỡ bà con trong ấp.
Đến bây giờ, bà Chuốt vẫn còn băng vườn rẫy để đi tuyên tuyền, gặp gỡ bà con trong ấp.

Vét hết hành trang còn lại sau chuyến vào Nam, vợ chồng bà Chuốt mua được 7 sào đất rẫy với giá 4,5 chỉ vàng. Sau vài ngày dựng tạm lán trại nhỏ làm nơi trú ngụ, vợ chồng bà Chuốt bắt đầu đào hố trồng bắp, khoai, lúa… Trong lúc chờ cây lúa, bắp, khoai cho hạt, cho củ, vợ chồng bà ngày đi làm thuê, tối về chế biến những mớ khoai, hạt bắp mót được (của người dân địa phương bỏ đi) làm thực phẩm. Vụ mùa đầu tiên, vợ chồng bà Chuốt có đủ khoai, bắp và một ít gạo trộn chung để nấu. Sang vụ thứ hai thì gia đình bà dư dả lúa gạo khi thuê 6 sào ruộng trồng lúa.

Khi cái ăn trong nhà được giải quyết, bà Chuốt nhận lời cán bộ xã làm “cán bộ” dân số - phụ nữ - nông dân của ấp trước sự phản đối quyết liệt của chồng vì: bà vừa sinh thêm đứa con thứ tư, nhà cửa ọp ẹp, tí đất mới tậu được chẳng bõ bèn gì so với đất đai bạt ngàn của dân địa phương và chỉ cần một vụ mùa thất bát là quay lại cảnh khốn khó…

Dù chồng ngăn cản, bà Chuốt vẫn gật đầu nhận nhiệm vụ. Vốn là cán bộ Đoàn thanh niên xã Bồng Lai (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), từng phụ trách dân quân, du kích xã từ năm 1972-1978, bà Chuốt vẫn đầy nhiệt huyết công tác phong trào ở vùng đất mới dù đã có 4 mặt con. Bà Chuốt nói: “Tôi cứ mặc cho nhà tôi mặt nhăn, mày nhó mỗi khi đi làm về mà thấy vợ bận việc xã hội. Nhất là lúc vào mùa, cần nhân lực mà tôi cứ hết ra xã, lại xuống cơ sở, càng làm thì nhà tôi cộc tính la trách. Riết rồi nhà tôi cũng phải nhún nhường, động viên tôi chu toàn việc nhà trước rồi mới lo việc xã hội” - bà Chuốt thổ lộ.

* Quà động viên

Để làm tốt công việc nông dân - phụ nữ - dân số - kế hoạch hóa gia đình được địa phương giao “một cục”, bà Chuốt hăm hở cắp sổ tìm đến các nhà dân trong ấp. Do địa bàn rộng, dân cư sinh sống rải rác trong rẫy, bìa rừng, bà Chuốt hết ngày này sang ngày khác xắn quần quá gối, cắp sổ cuốc bộ tìm đến. Những ngày đầu chưa thông thuộc địa bàn, bà cứ men theo các con đường lớn mà tìm nhà, hoặc hỏi người dân đang làm rừng, làm rẫy nơi nào có nhà để đến thống kê số hộ, số khẩu, đối tượng sinh đẻ, trẻ em, tuyên truyền này nọ… Khi đã quen thuộc địa bàn, bà cứ vậy mà lội suối, theo đường mòn rồi đi. Đói bụng thì bà hái ổi, chuối rừng, mãng cầu dân trồng trong rẫy, hay ven rừng để ăn cho vững chân bước. “Tôi không dám ăn cơm nhà dân vì sợ họ nhường cho mình, rồi để cho mấy đứa nhỏ thiếu khoai, thiếu bắp ăn” - bà Chuốt nói.

Bà Chuốt với Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Tân Nguyễn Văn Long (bìa phải).
Bà Chuốt với Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Tân Nguyễn Văn Long (bìa phải).

Càng đi, bà Chuốt càng thấy dân trong ấp lúc ấy vẫn còn khổ quá, trẻ nhỏ vẫn còn thiếu chữ, thiếu ăn, thiếu mặc. Nhất là chị em phụ nữ đến ngày sinh nở vẫn nằm co ro ở nhà chờ mụ vườn đến đỡ đẻ, hoặc bí quá đẻ rơi ngoài rẫy, được chồng cắt nhau thai cho.

Thương mấy đứa nhỏ thiếu áo, thiếu ăn, mỗi chuyến đi bà Chuốt đều lén chồng mang ít gạo, khoai sắn, áo quần cũ đem cho; hoặc dặn bà con có dịp tạt qua nhà bà để bà đưa cho tí gạo về nấu cháo bồi bổ cho người thân đang bệnh. “Mỗi khi tôi tìm đến nhà dân trong rẫy, chỉ cần nghe tiếng chó từ nhà họ sủa vẳng ra là mọi người biết tôi đến. Riêng mấy đứa nhỏ thì nhao nhao gọi người lớn thông báo bà Chuốt đến chơi. Những lúc ấy, tôi chẳng còn nhớ gì lời ông nhà tôi dặn và cứ bám dân tuyên truyền đến tối mịt mới mò về tới nhà” - bà Chuốt kể lại.

“Những điều bà Chuốt kể cho nhà báo nghe chỉ là một phần trong suốt 20 năm bà đảm nhận các nhiệm vụ: phụ nữ, nông dân, dân số, Mặt trận… tại ấp 4, xã Vĩnh Tân. Điều lớn hơn nằm trong các giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương mà bà Chuốt được cơ quan chức năng trao tặng như sự ghi nhận về những đóng góp của một người luôn nhiệt huyết với công tác xã hội” - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Tân Nguyễn Văn Long, chia sẻ.

Chính vì nhà dân nào trong ấp cũng biết, đám rẫy, con suối nào cũng từng băng qua, nên bà Chuốt cứ vậy mà tuyên truyền, ghi chép hết cuốn sổ này đến cuốn sổ khác để báo cáo cho cấp trên. Thấy bà Chuốt nhiệt tình, những người nhận bà làm chị, làm mẹ, làm bà. Riêng cán bộ xã, huyện thì không ngại nhờ bà dắt đi cơ sở. “Cán bộ xã, huyện chỉ cần đi theo tôi vài giờ là đuối chân đòi về. Thời đó làm gì có đường mà đi xe máy, xe đạp. Muốn nhanh chân, xong việc chỉ còn cách băng đường rừng, rẫy mà đi thôi” - bà Chuốt khẽ nói.

Thấy bà Chuốt làm việc tích cực, chính quyền địa phương giao thêm cho bà các phần việc khác, như: chữ thập đỏ, quản lý vốn vay... Việc nào bà cũng nhận và kết hợp nhau làm, làm tốt thì cuối năm được địa phương tặng giấy khen. “Công việc tôi làm không được hưởng lương, phụ cấp nhưng giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương thì được cấp trên ưu ái tặng đến chật tủ. Năm 2006, tôi được Chi bộ Đảng ấp 4 kết nạp Đảng để động viên và ghi nhận tinh thần làm việc. Mãi đến năm 2011, tôi mới có tiền phụ cấp khi đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban công tác Mặt trận ấp. Riêng với tôi, món quà quý nhất vẫn là tình cảm bà con vùng sâu, vùng xa đã dành cho tôi trong những năm tháng mà viên thuốc giảm sốt đáng giá vài cân gạo, trẻ nhỏ thèm những hạt cơm trắng bám quanh củ khoai” - bà Chuốt xúc động tỏ bày.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều