Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người mê ảo thuật

03:07, 11/07/2014

"Ngoài sự đam mê, những người học làm ảo thuật còn phải có đôi tay nhanh nhẹn và cách nói chuyện lôi cuốn khán giả. Ảo thuật là bộ môn nghệ thuật đánh lừa thị giác, thính giác, xúc giác… người xem.

“Ngoài sự đam mê, những người học làm ảo thuật còn phải có đôi tay nhanh nhẹn và cách nói chuyện lôi cuốn khán giả. Ảo thuật là bộ môn nghệ thuật đánh lừa thị giác, thính giác, xúc giác… người xem. Sự thành công của người làm ảo thuật là sau mỗi trò diễn sẽ nhận được những cái nhìn thán phục của khán giả” - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ảo thuật Đồng Nai Trương Bá Mạnh Long (26 tuổi) chia sẻ.

Anh Trương Bá Mạnh Long (bên phải) hướng dẫn một tiết mục ảo thuật cho em Nguyễn Hoàng Quốc Khanh.
Anh Trương Bá Mạnh Long (bên phải) hướng dẫn một tiết mục ảo thuật cho em Nguyễn Hoàng Quốc Khanh.

Thành lập từ đầu tháng 1-2014, CLB ảo thuật Đồng Nai được sáp nhập từ 3 nhóm ảo thuật ở huyện Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Hiện CLB có hơn 30 thành viên, độ tuổi từ 14-25. Tuy bận rộn việc học và việc làm, nhưng hàng tuần CLB vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn để các thành viên trao đổi kỹ năng ảo thuật.

* Nghệ thuật “Đánh lừa” khán giả

Anh Trương Bá Mạnh Long cho biết, phần lớn các thành viên trong CLB đều đến với ảo thuật rất tình cờ, người biết đến bộ môn này lâu nhất cũng chỉ hơn 2 năm nay. “Ảo thuật có 3 thể loại, gồm: ảo thuật đường phố, ảo thuật bàn tiệc và ảo thuật sân khấu. Mỗi thể loại đều có những yêu cầu rất riêng dành cho người biểu diễn, từ tác phong, cách nói chuyện, cách diễn trò và những trò diễn phải phù hợp với lứa tuổi của khán giả. Ảo thuật đường phố thường là những trò biểu diễn ngẫu hứng, dùng vật dụng bất kỳ để thực hiện, như: dây thun, đồng xu, tờ giấy… Ảo thuật bàn tiệc và ảo thuật sân khấu thì phải chuẩn bị kỹ hơn về đạo cụ, đồng thời phải xác định rõ đối tượng khán giả để biểu diễn cho phù hợp. Trong mỗi thể loại ảo thuật lại chia ra thêm 2 phần là: kỹ năng và đạo cụ. Kỹ năng thì phải rèn luyện, còn đạo cụ dùng để hỗ trợ thêm cho kỹ năng ảo thuật và tăng hiệu quả cho trò biểu diễn” - vừa giải thích, anh Long vừa lấy bộ bài tây 52 lá biểu diễn những màn ảo thuật nhỏ cho chúng tôi xem.

Trước mắt chúng tôi, đôi bàn tay của anh Long thoăn thoắt, các ngón tay như đang khiêu vũ với 52 lá bài, cả bộ bài dường như được một sức mạnh vô hình điều khiển. Nhiều trò ảo thuật chúng tôi từng xem mê mẩn trên truyền hình đã được anh Long trình diễn ngay trước mặt. Đến khi anh biểu diễn trò nhét đinh dài vào lỗ mũi thì chúng tôi hoàn toàn sửng sốt khi thấy cây đinh dài 10cm vừa đóng vào bàn gỗ đã được anh rút ra và chậm rãi đưa vào mũi của anh.

Anh Long chia sẻ, phần lớn các trò ảo thuật đều đánh lừa các giác quan của khán giả, nhưng cũng có nhiều trò không hề đánh lừa mà phải rèn luyện bằng kỹ năng. “Đơn cử như các trò nuốt lửa, nuốt kiếm, nhét đinh vào mũi…, người thì dùng các đạo cụ có thể biến đổi, nhưng có người thì nuốt thật sự. Để biểu diển được những trò đó, chúng tôi phải rèn luyện một thời gian dài, nếu không muốn nói là cực kỳ gian khổ. Thường thì khán giả xem ảo thuật là học sinh, sinh viên, nên mỗi lần biểu diễn các trò có tính chất “ghê rợn”, như: nuốt lửa, nuốt kiếm…, chúng tôi luôn dặn dò mọi người không được thử ở nhà, nhất là các em nhỏ” - anh Long cho biết.

* Những lá bài bay…

Lau những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán, anh Hoàng Sinh (20 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), một trong những người làm ảo thuật đường phố rất “nghề”, tập trung biểu diễn lá bài bay cho chúng tôi xem. Nhìn lá bài tây nằm lơ lửng trên khoảng không giữa 2 bàn tay của anh Sinh, chúng tôi hết sức ngạc nhiên và càng bất ngờ hơn khi thấy lá bài được anh điều khiển để xoay tròn một vòng quanh người anh. Kết thúc trò biểu diễn, anh Sinh cho biết thành công của người làm ảo thuật chính là “thấy khán giả tròn xoe mắt và há hốc miệng vì bất ngờ”.

“Tôi đến với ảo thuật được hơn 2 năm nay. Tôi mê những trò ảo thuật đường phố khi xem các chương trình truyền hình nước ngoài, nhưng ở huyện Trảng Bom không có nơi nào để tôi tiếp cận môn nghệ thuật này. Đến khi làm quen được một nhà ảo thuật trẻ ở TP.Hồ Chí Minh, tôi mới bắt đầu tìm hiểu các trò ảo thuật. Nếu nói về bí quyết thì không có gì ngoài sự rèn luyện không ngừng, liên tục, vì chỉ cần một vài tuần không diễn là những ngón tay sẽ mất sự linh hoạt” - nói đoạn, anh Sinh hướng dẫn cho chúng tôi một trò ảo thuật nhỏ và giải thích về bí quyết ảo thuật của những trò mình đang làm.

Anh Hoàng Sinh biểu diễn màn ảo thuật lá bài bay.
Anh Hoàng Sinh biểu diễn màn ảo thuật lá bài bay.

Khi tham gia CLB ảo thuật, ngoài việc rèn luyện kỹ năng cho bản thân, các thành viên của CLB còn được sắp lịch đi diễn các chương trình ảo thuật theo sự phân công của ban chủ nhiệm, từ đó sẽ kiếm thêm một phần thu nhập từ tài năng của mình. Ngoài các hợp đồng biểu diễn ở những phòng trà, quán cà phê, CLB ảo thuật Đồng Nai còn nhiều lần tổ chức biểu diễn từ thiện ở các trại trẻ mồ côi, vào các dịp lễ, tết, trung thu…

“Em biểu diễn lần đầu tiên ở Giáo xứ Lộc Lâm (TP.Biên Hòa) vào dịp trước Tết 2014. Dù rất run, nhưng nhờ các anh đứng kế bên hỗ trợ nên tiết mục ảo thuật của em cũng hoàn thành. Trong kỳ nghỉ hè, so với việc đi chơi game hay nằm ở nhà coi tivi thì em thấy tham gia CLB ảo thuật bổ ích hơn nhiều. Không chỉ được giúp về kỹ năng ảo thuật, em còn được mọi người trong CLB giúp đỡ giải quyết những tình huống gặp phải lúc đi học và hơn hết là em được rèn luyện sự mạnh dạn khi biểu diễn trước đám đông” - em Nguyễn Hoàng Quốc Khanh (14 tuổi, ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) tâm sự.

“Mỗi khi biểu diễn xong một tiết mục ảo thuật đơn giản, chúng tôi thường hướng dẫn cho mọi người cách thực hiện. Đây cũng là tiêu chí hoạt động của CLB, đó là giới thiệu bộ môn ảo thuật cho những người trẻ ở Đồng Nai. Mỗi trò chỉ mất vài phút, hoặc vài giây để hướng dẫn, nhưng thực sự đã đem lại niềm vui và khơi gợi niềm đam mê ảo thuật cho những em nhỏ” - anh Hoàng Sinh bộc bạch.

Anh Long cho chúng tôi biết thêm, các thành viên trong CLB ảo thuật tuy có khác nhau về tuổi tác, khả năng nhưng không vì vậy mà có sự phân biệt giữa người mới tham gia CLB và người đã có “nghề”. Các thành viên đều phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Với mọi người trong CLB, tham gia CLB ảo thuật không chỉ để giải trí, mà hơn hết đây là một hoạt động có tính cộng đồng, đem tài năng phục vụ xã hội. “Hiện tại, chúng tôi đã có được những hợp đồng biểu diễn ảo thuật để trang trải chi phí sinh hoạt của CLB. Ngoài ra, CLB còn sắp khai trương một cửa hàng bán các dụng cụ ảo thuật ở TP.Biên Hòa để cung cấp dụng cụ và quảng bá môn ảo thuật. Hiện tại, CLB ảo thuật đã làm xong thủ tục xin cấp phép và đang chuẩn bị phối hợp hoạt động với Tỉnh đoàn Đồng Nai. Đây cũng là cách để CLB quảng bá bộ môn ảo thuật đến với giới trẻ Đồng Nai. Chúng tôi cũng hy vọng các em học sinh có thêm hoạt động bổ ích trong những ngày nghỉ hè” - anh Long tự hào cho biết.

Đăng Tùng

 

 

 

Tin xem nhiều