Báo Đồng Nai điện tử
En

Long Thọ hôm nay

10:08, 30/08/2014

Những ngày cuối tháng 8, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân xã anh hùng Long Thọ hân hoan chung tay kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2-9 và 20 năm Ngày thành lập huyện Nhơn Trạch. Ông Võ Cao Lang, Thường trực Đảng ủy xã tự hào khoe, tháng 1-2014, Long Thọ được tỉnh công nhận xã nông thôn mới.

Những ngày cuối tháng 8, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân xã anh hùng Long Thọ hân hoan chung tay kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2-9 và 20 năm Ngày thành lập huyện Nhơn Trạch. Ông Võ Cao Lang, Thường trực Đảng ủy xã tự hào khoe, tháng 1-2014, Long Thọ được tỉnh công nhận xã nông thôn mới. Đó là nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền,  hệ thống chính trị và nhân dân Long Thọ trong suốt thời gian dài.

Trường trung học cơ sở Long Thọ nay đã đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: Đ.PHÚ
Trường trung học cơ sở Long Thọ nay đã đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: Đ.PHÚ

Chúng tôi bon bon xe máy cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Tiến Nhạn trên con đập thủy lợi Long Thọ - Bà Ký (xã Hiệp Phước) rợp mát cây trái, ao tôm, nhà cửa khang trang. Ông Nhạn cho biết, dù là dân thổ địa của vùng đất Long Thọ, mỗi lần có dịp đi qua con đập này, ông đều cảm nhận được sự đổi thay của đất và người sinh sống, canh tác hai bên con đập với một bên mặn, một bên ngọt.

* Đặc sản mặn ngọt

Dòng nước ngọt từ xã Phước An chảy qua Long Thọ gặp dòng nước mặn thủy triều của sông Thị Vải tràn vào giúp cho chem chép, cua, tôm thêm béo chắc và thịt thơm mùi phù sa. Tiếp chuyện với chúng tôi trên đường đập Long Thọ - Bà Ký, nông dân Ba Thanh ở ấp 2 chỉ vào vườn dừa xiêm, chôm chôm, sầu riêng của mình cho biết, năm 1978 con đập Long Thọ - Bà Ký thật sự là một đại công trình của nông dân 2 xã Long Thọ và Hiệp Phước. Nhờ con đập này mà 700 hécta đất sản xuất nông nghiệp của nông dân không bị mặn xâm thực. Tuy nhiên, đến năm 1995, con đập Long Thọ - Bà Ký mới thật sự giúp nông dân 2 xã đổi đời nhờ công năng ngăn mặn, giữ ngọt và thoát lũ. “Nay con đập được tôn cao và vững chắc thành đường giao thông. Nông dân trồng cây và nuôi trồng thủy sản tụi tui thỏa sức thi đua nhau làm giàu mà không sợ thiên tai” - nông dân Ba Thanh nói.

Ông Trần Văn Đạo, Bí thư Đảng ủy xã Long Thọ, cho hay ngoài việc xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy luôn chú trọng trong việc chỉ đạo chính quyền, đoàn thể chính trị, cơ sở trong việc xây dựng con người, nhất là đào tạo nguồn cán bộ tại địa phương, lãnh đạo phải làm và nêu gương cho cấp dưới, cán bộ, đảng viên phải là gương sáng trước quần chúng.

Cũng nhờ dòng nước mặn ngọt được chia cắt, vùng đất Long Thọ còn sản sinh thêm loại bánh tét nhân hạt điều được gói bằng lá cây chuối hột của vùng phù sa nổi tiếng đất Nhơn Trạch. Chị Tám Liên ở ấp 5 cho hay, những đòn bánh tét đó không chỉ thêm hương vị ngày tết, lễ tiệc trong gia đình mà còn là tấm lòng của người dân vùng tự do Long Thọ (trước năm 1975) tiếp tế cho bộ đội đang bám bưng biền chiến đấu. “Đất Long Thọ luôn kiên cường và người dân Long Thọ thì luôn nghĩa tình với Đảng, Nhà nước trong chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Tuy nay tấc đất tấc vàng, nhưng người dân Long Thọ tụi tui vẫn sẵn sàng hiến đất, góp tiền mở đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới” - chị Tám Liên tỏ bày.

Đường hoa ở tổ 20, ấp 3, xã Long Thọ.
Đường hoa ở tổ 20, ấp 3, xã Long Thọ.

Gió từ các đầm tôm lồng lộng thổi vào con đập, ông Nhạn hồ hởi quẹo tay lái sang trái để men theo con đường cấp phối nhỏ vào khu nuôi tôm của nông dân ấp 2, ấp 3. Ông Nhạn cho biết, xã hiện có 210 hécta mặt nước nuôi trồng thủy sản dành cho vùng ngập mặn và trên 200 hécta đất sản xuất nông nghiệp, như: lúa, hoa màu, cây ăn trái. Đặc biệt, địa phương đã xây dựng được 35 hécta chuyên trồng rau an toàn tại ấp 5 để tạo thương hiệu rau an toàn cho nông dân trong xã. “Long Thọ vốn là vùng đất bán ngập. Nhờ huyện, tỉnh đầu tư xây dựng nên đã hoàn thiện hệ thống thủy lợi, kênh mương, giao thông, cống đập… Giờ đây, chỉ cần một con đường nhỏ trong tổ nhân dân là có thể thông thương ra đường nhựa, bê tông liên ấp, liên xã” - ông Nhạn nói.

* Chung tay vì nông thôn mới

Cũng con đường đá sỏi tuy nhỏ hẹp nhưng lại có nhiều lối ra, ông Nhạn cứ vậy đưa chúng tôi đến thăm con hẻm hoa khá lạ mắt của người dân ấp 3. Ông Nhạn cho hay, đoạn đường này thuộc chương trình nhà nước và dân cùng làm. Tuy nó chỉ nhựa hóa được 250m trong tổng chiều dài 1km nhưng vẫn đẹp, khang trang. Nhất là 2 bên đường được người dân xây ô trồng hoa đẹp không kém gì đường tỉnh, đô thị. “Đây là tuyến đường mẫu, nằm trong chương trình nâng cao chất lượng tiêu chí số 2 về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, địa phương sẽ triển khai thêm nhiều tuyến khác nữa đẹp không thua gì tuyến đường này” - ông Nhạn giải thích.

Để nói có sách, mách có chứng, ông Nhạn tiếp tục dẫn chúng tôi đi thăm các tuyến đường. Đồng thời, ông đưa cho chúng tôi bản báo cáo về xây dựng nông thôn mới có chữ ký và con dấu đỏ chót của Chủ tịch UBND xã Long Thọ Huỳnh Thế Vinh. Theo báo cáo này, toàn xã có tổng chiều dài 28.370m đường giao thông, trong đó có 15.890m đường nhựa, 500m đường bê tông, 13.680m đường cấp phối và đất đã được cứng hóa. “Tui được địa phương giao theo dõi chương trình nông thôn mới xuyên suốt từ năm 2009 đến nay. Chính vì vậy, tui chứng kiến rất nhiều trường hợp người dân sẵn sàng hiến đất, chặt cây, góp tiền để cho địa phương mở đường. Nhiều hộ dân tuy mất đất, mất cây trồng, vật kiến trúc mà vẫn làm tiệc ăn mừng vì có đường mới đi qua. Bà con cho rằng, dân Long Thọ vốn giàu truyền thống yêu nước, đóng góp rất nhiều người con, vật chất cho kháng chiến thì nay hy sinh thêm một chút cái lợi nhỏ để có nông thôn mới thì có đáng gì” - ông Nhạn nói.

Giống dừa xiêm xanh đang dần thích nghi với vùng đất Long Thọ.
Giống dừa xiêm xanh đang dần thích nghi với vùng đất Long Thọ.

Nói rồi ông Nhạn đưa chúng tôi về lại trụ sở UBND xã để được lãnh đạo địa phương nói rõ hơn về những đổi thay của Long Thọ. Tiếp chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Đạo cho biết sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, tháng 1-2014 xã Long Thọ đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và 54/54 chỉ tiêu thành phần. Trong đó, các chỉ tiêu khó, như: giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa, thu nhập và phát triển kinh tế lại đạt điểm rất cao. “Chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên từ xã xuống cơ sở đoàn kết, đồng thuận và gần dân. Chính vì vậy, khi khởi động chương trình nông thôn mới, tất cả đều hăng hái bắt tay vào thực hiện những phần việc được giao và trợ sức cho nhau thực hiện những mục tiêu chung” - ông Đạo cho hay.

Còn Chủ tịch UBND xã Long Thọ Huỳnh Thế Vinh nở nụ cười thật tươi tỏ bày, từ một xã thuần nông nghiệp, đất đai nhiễm phèn, thu nhập bình quân trên đầu người thấp, đến nay Long Thọ đã là xã công nghiệp, với cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm 50%, thương mại - dịch vụ 27%, nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản  23%; thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm… Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Long Thọ vì vậy cũng nâng cao gấp nhiều lần. “Với dự án Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 và 6 nằm trên địa bàn xã đang hoàn thiện và các dự án khu dân cư, giao thông… Long Thọ sẽ theo đó cất cánh và phát triển xứng tầm” - ông Vinh nói.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều