Báo Đồng Nai điện tử
En

Cai nghiện trên "giấy" (Bài 1)

08:08, 20/08/2015

Tình hình nghiện ngập ma túy trên địa bàn Đồng Nai hiện khá phức tạp. Từ nghiện ma túy, con nghiện dễ dàng trở thành tội phạm trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy… để có tiền thỏa mãn cơn nghiện.

Tình hình nghiện ngập ma túy trên địa bàn Đồng Nai hiện khá phức tạp. Từ nghiện ma túy, con nghiện dễ dàng trở thành tội phạm trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy… để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Nhưng việc quản lý những người nghiện đang “lang thang” ngoài xã hội, tránh gây mất an ninh trật tự địa phương lại đang gặp vướng mắc vì các thủ tục pháp lý. Vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng và các địa phương ở Đồng Nai hiện nay là tìm ra một giải pháp quản lý, tổ chức cai nghiện phù hợp đối với những người nghiện.

Các đối tượng nghiện được giáo dục tại Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Đồng Nai ở huyện Xuân Lộc.
Các đối tượng nghiện được giáo dục tại Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Đồng Nai ở huyện Xuân Lộc.

Để đảm bảo quản lý chặt chẽ, đạt hiệu quả cao đối với người nghiện trong xã hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định để tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý, tổ chức cai nghiện cho những người nghiện theo các nghị định vừa ra đời lại gặp những vướng mắc.

* Tệ nạn ma túy còn phức tạp

Tính đến ngày 15-5, toàn tỉnh có gần 2,8 ngàn người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó bao gồm: 543 đối tượng đang được cai nghiện tại Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc); quản lý tại trại tạm giam, nhà tạm giữ 132 đối tượng; còn lại hơn 2,1 ngàn người đang được quản lý tại địa phương.

Đồng Nai không phải là địa bàn phân phối ma túy với số lượng lớn, nhưng hoạt động mua bán ma túy nhỏ lẻ rất phức tạp. Đó là lý do tình hình sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, nhất là trong giới trẻ. Việc sử dụng ma túy đã gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe, giống nòi và trật tự an toàn xã hội. Hơn nữa, việc gia tăng lạm dụng các loại ma túy tổng hợp khiến công tác phòng ngừa và cai nghiện phục hồi của nhóm người nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, đối với các đối tượng nghiện, khi kiểm tra phát hiện dương tính với ma túy thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành làm thủ tục chuyển cho chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Nhưng từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính mới có hiệu lực, Nghị định 111/2013/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 111) của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biệp pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã (phường, thị trấn) ra đời (tháng 9-2013) và Nghị định 221/2013/NĐ-CP (Nghị định 221) của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được áp dụng từ đầu năm 2014 thì việc cai nghiện, quản lý người nghiện lại gặp nhiều vướng mắc.

* Bất cập trong việc tổ chức cai nghiện

Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính mới có hiệu lực, việc đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án nhân dân cấp huyện nên tỉnh Đồng nai cũng như nhiều địa phương trên cả nước gặp nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm 2015, cả tỉnh chỉ mới lập được 4 hồ sơ (huyện Long Thành có 3 người, TP.Biên Hòa có 1 người) trong tổng số gần 2,8 ngàn đối tượng sử dụng ma túy. Với số lượng được tổ chức đi cai nghiện quá ít này, chuyện những người nghiện được quản lý tại địa phương và người nghiện sống lang thang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội không thể lường trước được.

Ông Đặng Xuân Hòa, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, cho biết: “Số người nghiện ma túy hiện chưa thể đưa đi cai nghiện bắt buộc là do quy định phải chuyển hồ sơ đến tòa án nhân dân cấp huyện ra quyết định. Nhưng theo Nghị định 221, người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy là bác sĩ, y sĩ thuộc trạm y tế cấp xã, bệnh xá quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện… có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trong khi đó, thời gian vừa qua, Sở Y tế chỉ mới hoàn thành được khóa tập huấn và cấp chứng chỉ này, nên việc triển khai lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc bị chậm trễ”.

Người nghiện uống methadone tại Bệnh viện đa khoa TP.Biên Hòa.
Người nghiện uống methadone tại Bệnh viện đa khoa TP.Biên Hòa.

Theo các nghị định 111 và 221, người nghiện có nơi cư trú ổn định, sau khi đã xác định tình trạng nghiện sẽ được giao cho gia đình, địa phương quản lý trong thời gian từ 3-6 tháng; trường hợp họ tái nghiện mới đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đối với những người nghiện không có nơi cư trú ổn định (sống lang thang), sau khi xác định được tình trạng nghiện sẽ lập hồ sơ chuyển đến tòa án nhân dân cấp huyện ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, trong thời gian lập hồ sơ (21 ngày) đưa các đối tượng lang thang đi cai nghiện bắt buộc, trên địa bàn tỉnh chưa có nơi quản lý tập trung những đối tượng này.

Điều 3, Nghị định 221 quy định về đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã (phường, thị trấn) do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã (phường, thị trấn) do nghiện ma túy, nhưng không có nơi cư trú ổn định”.

Theo Thượng tá Phạm Thọ Bình, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh: “Các nghị định 111 và 221 đã “trói” quyền của các cơ quan chức năng, khiến không thực hiện được việc đưa các đối tượng đi cai nghiện. Bởi, từng bước lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc đều phải thông báo cho người nghiện và gia đình họ biết. Nhiều người nghiện nhân cơ hội này đã bỏ trốn khỏi địa phương”.

“Do Nghị định  111 và Nghị định 221có nhiều quy định mới so với lúc trước nên công an các xã còn lúng túng và chưa bắt nhịp được với việc làm hồ sơ, thủ tục đưa các đối tượng nghiện đi cai nghiện bắt buộc” - Thiếu tá Phạm Trung Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và ma túy Công an huyện Vĩnh Cửu, cho biết.

Trên địa bàn tỉnh hiện có Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Đồng Nai ở huyện Xuân Lộc và Cơ sở cai nghiện tư nhân Lê Hà Nguyễn ở huyện Trảng Bom. Thủ tục đưa các đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện của Nhà nước “nhiêu khê”, còn việc vào các cơ sở cai nghiện tư nhân chi phí lại quá cao, dẫn đến việc quản lý các đối tượng nghiện đang rất khó khăn.

Tố Tâm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều