Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi niềm với quê xa

07:02, 10/02/2018

Dòng người từ mọi miền đất nước về tỉnh Đồng Nai sinh sống, lập nghiệp ngày một nhiều. Dù là dân di cư tự do, đi xây dựng kinh tế mới sau ngày đất nước thống nhất hay mới về đất Đồng Nai tìm việc làm, tạm cư vài tháng, dăm ba năm, thì khi xuân về lòng mọi người vẫn da diết nhớ về cố hương.

Dòng người từ mọi miền đất nước về tỉnh Đồng Nai sinh sống, lập nghiệp ngày một nhiều. Dù là dân di cư tự do, đi xây dựng kinh tế mới sau ngày đất nước thống nhất hay mới về đất Đồng Nai tìm việc làm, tạm cư vài tháng, dăm ba năm, thì khi xuân về lòng mọi người vẫn da diết nhớ về cố hương.

Vườn bưởi của ông Bảy Thu (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) chi chít trái ngày xuân, nhưng ông vẫn quyết ở lại vui tết một mình nơi vườn rẫy. Trong ảnh: Nhân công đang thu hoạch bưởi cho ông Bảy Thu bán tết.
Vườn bưởi của ông Bảy Thu (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) chi chít trái ngày xuân, nhưng ông vẫn quyết ở lại vui tết một mình nơi vườn rẫy. Trong ảnh: Nhân công đang thu hoạch bưởi cho ông Bảy Thu bán tết.

Ông Trần Hiền (quê tỉnh Quảng Trị, ngụ xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) thổ lộ trong ngày xuân, cố hương có 1.001 lý do mời gọi những người con xa xứ về thăm. Ngược lại, những người xa quê cũng có nhiều lý do để không về quê, bởi trong bộn bề lo toan nơi đất khách, về thăm quê ngày tết mà tay trắng như lúc rời xa thì còn ý nghĩa gì với xuân cố hương.

* 1.001 lý do lỡ hẹn

Rời tỉnh Bắc Giang về TP.Biên Hòa tìm việc ở tuổi 20, đến nay ông Vũ Văn Miền (48 tuổi, ngụ phường Long Bình) chỉ đưa vợ con về thăm quê vỏn vẹn 2 lần. Mùa xuân này, ông Miền tiếp tục lỡ hẹn với cố hương khi bản án về bồi thường trợ cấp tai nạn lao động của ông từ năm 2014 đến nay chưa được Công ty H.O (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) thi hành.

Ông Bảy Quang (71 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang, lập nghiệp tại ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) tâm sự dù sinh sống ở xóm Miền Tây với những người đồng hương vùng sông nước, nhưng ông vẫn nhớ ngày tết ở quê đến nao lòng. Vì vậy, năm nào mùa màng thuận lợi thì ông tranh thủ về quê vui tết vài ngày. Nếu ngày tết mà  không về quê được, ông Bảy Quang cũng cố gắng quy tụ đồng hương tổ chức một cái tết tại nhà để vơi đi nỗi nhớ quê.

Ông Miền than thở giá như công ty kịp thời bồi thường cho ông 21 triệu đồng như bản án tòa tuyên, ông sẽ dùng số tiền đó đưa vợ và 2 con về thăm ông bà để vơi đi sự nhớ nhung, tủi hờn vì kiên trì kiện tụng dẫn tới lỡ chuyện làm ăn.

Sau nhiều năm về Đồng Nai sinh sống, ông Long Hữu (50 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang, ngụ phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cũng dành dụm được tiền mua đất, cất được mái nhà nho nhỏ. Đùng một cái, vợ chồng chia tay. Ngày cận tết, ông Long Hữu vẫn để nhà cửa bề bộn với đủ thứ đồ nghề của ông chủ thầu xây dựng. Tết này ông không dám về quê như những năm trước vì sợ hàng xóm dị nghị và nhìn thấy cảnh người vợ cũ đang sống hạnh phúc cùng với con và chồng mới.

Bên vườn cam, bưởi trĩu quả ngày xuân, nông dân Hai Ngọc (60 tuổi, quê tỉnh Bến Tre, ngụ xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) ruột gan rối bời vì anh em ở quê thúc hối ông về mừng thọ cha già tuổi 90.

Ông Hai Ngọc tâm sự không phải ông sợ tốn kém chuyện tàu xe, quà cáp khi về thăm quê và thăm cha mẹ tuổi già, mà do vườn trái cây của chủ vườn đang thời kỳ thu hoạch rộ để bán tết nên ông không thể bỏ công việc về quê lúc này. Hơn nữa, khi vườn thu hoạch xong thì ngày tết đã đến. Hết 3 ngày tết, ông lại quay qua chăm sóc, bón phân, tỉa cành cho cây đến hết tháng Giêng.

Là bạn nhà nông với ông Hai Ngọc, ông Bảy Thu (56 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) giãi bày lý do ông không về quê vui tết cùng vợ con vì vườn tược không ai trông coi khi mùa nắng đến và vì vợ ông ở quê ít quan tâm đến ông nên ông buồn không muốn về.

Ông Bảy Thu than thở chuyện ông xa vợ con đi lập vườn ở Hiếu Liêm cũng gần 10 cái tết rồi nên ông nếm đủ ngọt bùi, đắng cay, cô đơn một mình ngày tết. Có những năm mùa màng thất bại, ngày tết ông điện thoại bảo vợ con đến Hiếu Liêm thăm ông, nhưng không ai nghe máy nên ông giận đến nay.

Người nông dân là vậy, dân lao động tự do là vậy, còn với những công nhân xa quê như vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến - chị Hồ Thị Yên (quê tỉnh Thanh Hóa, ngụ xã Suối Tre, TX.Long Khánh) thì không có điều kiện về thăm quê khi đồng lương tháng chỉ đủ gói gọn cho 2 con ăn học và trả tiền nhà trọ.

Chị Yên cho hay 12 mùa xuân qua, vợ chồng chị rất thèm về thăm quê, thăm họ hàng nhưng không có điều kiện để về. Ngày tết nhớ cha mẹ, chị hay ngồi khóc một mình.

* Nhớ tết quê

Không có cơ hội đoàn tụ gia đình xuân này, tan ca về, anh Lê Văn Quý (quê tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) hay ngồi một mình nơi ghế đá trước dãy phòng trọ nói chuyện qua Zalo với chị gái ở quê.

Nhóm thợ hồ quê miền Tây Nam bộ vẫn tranh thủ những ngày cuối năm làm việc. Đến ngày 25 tết, người tranh thủ về quê, người nhận làm các công việc lặt vặt cho đến 30 tết.
Nhóm thợ hồ quê miền Tây Nam bộ vẫn tranh thủ những ngày cuối năm làm việc. Đến ngày 25 tết, người tranh thủ về quê, người nhận làm các công việc lặt vặt cho đến 30 tết.

Cái tết nghèo của người mẹ làm nghề buôn cá, cha làm mộc thuê luôn in sâu vào ký ức của công nhân độc thân Quý nơi nhà trọ (ở ấp Ông Hường, xã Thiện Tân). Không về quê thăm cha mẹ và các em được, anh Quý gửi hết số tiền thưởng tết, tiền lương tháng cuối năm về cho gia đình lo tết. Bản thân anh chỉ giữ lại hơn 1 triệu đồng để tiêu xài mấy ngày tết đơn sơ với những công nhân trong khu nhà trọ. Với anh Quý, dù không được quây quần bên gia đình trong những ngày xuân, nhưng các thành viên trong gia đình vẫn liên tục gọi điện thoại chuyện trò với anh.

Xuân này, vợ chồng anh Lê Phước (quê tỉnh Bình Định, ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) không về quê chơi tết như các năm trước. Vì ở lại nên vợ chồng anh nhận công việc sơn sửa cổng, tường nhà cho các gia đình đến chiều 29 tháng Chạp mới nghỉ ngơi.

Anh Lê Phước tâm tình làm việc những ngày cận tết tiền công được gấp đôi, gấp ba lần ngày thường. Đây là số tiền lớn đối với những người lao động tự do như vợ chồng anh. Vì vậy, vợ chồng anh tranh thủ mấy ngày tết người ta “ngán” việc để làm bù cho ra Giêng ít việc; phần vì sợ những ngày tết ở quê nhậu say xỉn suốt ngày dẫn tới vợ chồng mất hạnh phúc, hao mòn sức khỏe.

Phố phường TP.Biên Hòa ngày cận tết rực rỡ cờ, hoa, bà Phùng Thị Thấu (quê tỉnh Nghệ An, ngụ phường Tân Vạn) cùng những người đồng hương rảo quanh các con hẻm lớn nhỏ, hàng quán thu mua ve chai.

Bà Thấu cho biết năm nay là năm thứ 3 bà và 4 người đồng hương chủ động xa quê để đến TP.Biên Hòa mua ve chai dịp trước và sau tết. Từ ngày vào TP.Biên Hòa mua ve chai, ngày tết gia đình bà có nhiều bánh mứt để mời khách, chồng và các con bà không còn tủi thân với hàng xóm khi ngày tết gia đình không có tiền tiêu.

Xuân Mậu Tuất 2018 đã cận kề, lời mời gọi cố hương và người thân ở quê vẫn văng vẳng bên tai và day dứt lòng người ở lại...

Đoàn Phú

Tin xem nhiều