Báo Đồng Nai điện tử
En

Lòng dân với Đảng

09:08, 07/08/2012

Ông Lê Đình Nghiệp, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh: Coi trọng công tác cán bộ

Ông Lê Đình Nghiệp, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh: Coi trọng công tác cán bộ

 Để giữ vững được chế độ, sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, công tác cán bộ cần phải được nghiêm túc xem xét. Trong đó ở Đồng Nai, công tác cán bộ cũng cần phải thực hiện một cách sâu sắc, có chất lượng hơn nữa, không được bè phái. Với đánh giá về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh vừa qua cho thấy, cán bộ cấp xã hư hỏng nhiều hơn ở cấp trên, trong khi đó cấp xã là cấp quan trọng - nơi trực tiếp gần dân, sát dân và hiểu dân nhất. Bởi vậy, tỉnh nên đánh giá cho đúng vị trí, vai trò của cán bộ cấp xã, từ đó có những quan tâm đến giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ cấp xã. Không được coi nhẹ việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp này. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, phải làm nghiêm việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Phải có cơ chế để khơi dậy tinh thần, dũng khí này trong cán bộ, đảng viên, các cấp ủy. Tuy nhiên, tỉnh cũng phải có sự trợ lực những trường hợp không tự lập được trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Làm tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thì cuộc đấu tranh chống suy thoái về mặt tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên mới thực sự có hiệu quả. Đồng thời, theo tôi Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải thường xuyên tổ chức các cuộc đóng góp ý kiến của nhân dân với Đảng, làm cho Đảng ngày càng tốt hơn và gần gũi với nhân dân hơn.

[links(left)]Tiến sĩ Nguyễn Đức Thạch, Chủ tịch Hội Hóa học (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh): Bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc

Sở dĩ lâu nay, việc phòng chống tham nhũng kém hiệu quả, bởi dù  quy định có rất nhiều, chế tài pháp luật cũng không thiếu, nhưng việc thực hiện lại thiếu kiên quyết. Theo tôi, quần chúng  rất tâm huyết với sự nghiệp xây dựng Đảng nên không ít người đã dám đứng lên tố cáo, phản ứng với những tiêu cực của đảng viên. Và khi quần chúng phản ánh điều gì, thì điều ấy phải được xem xét, yêu cầu người bị tố cáo phải giải trình và có kết luận rõ ràng. Nếu những điều dư luận đưa ra không đúng thì cũng phải được xác minh, trả lời. Nếu dư luận phản ánh đúng thì những cán bộ vi phạm phải bị xử lý theo đúng quy định, đúng pháp luật, dù ở bất kỳ cấp nào theo hướng đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời. Không để xảy ra tình trạng dư luận phản ánh, nhưng tất cả lại rơi vào im lặng, khiến nội bộ phải nghi ngờ lẫn nhau. Một tổ chức Đảng mà đảng viên nghi ngờ lẫn nhau thì nhất định không thể vững mạnh.

Tôi cũng đề nghị rằng, xử lý tham nhũng, nên xử nghiêm từ trên xuống. Bởi thực tế cho thấy, cán bộ cấp cao, giữ trọng trách lớn, thì khi tham nhũng sẽ có mức độ lớn, tính chất nghiêm trọng hơn. Do đó, tôi cho rằng, khi đề ra Nghị quyết Trung ương 4, Đảng đã “bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc”, nhưng Đảng cần phải làm cho ra ai là người phải “uống” và phải kiểm tra người “uống thuốc” có “uống” đủ liều không…

P.Hằng - P. Liễu (ghi)

Tin xem nhiều