Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẵn sàng cho chương trình giáo dục phổ thông mới

04:07, 17/07/2020

Ngành GD-ĐT Đồng Nai đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021.

Ngành GD-ĐT Đồng Nai đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021. Đây được đánh giá là nhiệm vụ mới và có không ít khó khăn, đòi hỏi sự chủ động của nhà trường, nỗ lực của giáo viên, sự thông hiểu và ủng hộ của phụ huynh.

Sở GD-ĐT tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Ảnh:C. Nghĩa
Sở GD-ĐT tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Ảnh:C. Nghĩa

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạnh chia sẻ, sau thời gian dài chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, đến nay, Sở GD-ĐT đã hoàn thành tập huấn chương trình cho đội ngũ giáo viên của trên 300 trường tiểu học, sách giáo khoa mới phục vụ chương trình cũng đã được các trường lựa chọn xong. Mới đây, cán bộ Sở GD-ĐT tiếp tục tập huấn cho giáo viên thực hiện mô hình tiết dạy cụ thể để từ đó định hướng cho giáo viên tự tin, sẵn sàng bước vào năm học mới.

* Ưu tiên cho lớp 1

Để có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1 từ năm học mới 2020-2021, ngành GD-ĐT TP.Biên Hòa gặp không ít khó khăn, do cơ sở vật chất về trường lớp ở nhiều phường, xã còn bị quá tải.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang:

Huy động mọi nguồn lực cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Hiện các điều kiện cơ bản cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Sở GD-ĐT phối hợp với các địa phương chuẩn bị kỹ. Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn của Sở phối hợp với các phòng GD-ĐT địa phương tiếp tục rà soát lại các điều kiện cần thiết tại các trường, trong đó cơ sở vật chất phòng học để có giải pháp khắc phục đảm bảo ưu tiên cao nhất cho học sinh lớp 1 trong năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy vậy, với nỗ lực của TP.Biên Hòa trong những năm qua, đã có nhiều ngôi trường được xây mới ở những phường “nóng” về sĩ số học sinh/lớp. Dự kiến năm học mới sắp tới, riêng khối tiểu học sẽ có thêm nhiều trường kịp đưa số công trình xây mới phòng học vào sử dụng như: Trường tiểu học Hiệp Hòa (P.Hiệp Hòa), Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (P.Long Bình)…

Bên cạnh đó, hệ thống trường ngoài công lập năm học sắp tới cũng sẽ gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 để chia sẻ áp lực với trường công lập.

Năm học 2020-2021, Trường tiểu học Tân Tiến dự kiến đón khoảng 220 học sinh lớp 1 trên địa bàn P.Tân Tiến đến tuổi vào lớp 1. Đây cũng là trường tiểu học hiếm hoi trên địa bàn TP.Biên Hòa không gặp phải áp lực về sĩ số, thậm chí có năm học nhà trường tuyển không đủ chỉ tiêu học sinh lớp 1.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Tiến  Đào Thị Kim Phượng vui mừng cho biết: “Các bước chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới có những áp lực riêng, nhưng chúng tôi cảm thấy phấn khởi khi điều kiện của nhà trường hoàn toàn có thể đáp ứng được, đảm bảo hoàn toàn việc dạy 2 buổi/ngày. Ngoài ra, nhà trường còn có các phòng khác phục vụ công tác dạy và học như: phòng thư viện, phòng tin học, phòng mỹ thuật - âm nhạc… sẵn sàng phục vụ cho đổi mới phương pháp dạy và học”.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế cho biết: “Trong quá trình chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, huyện đã chủ động sớm rà soát lại mạng lưới các trường lớp ở các xã, thị trấn. Phòng GD-ĐT đã hướng dẫn cho các trường tiểu học chủ động sớm việc tiếp nhận danh sách đăng ký học sinh vào lớp 1, ưu tiên bố trí đủ phòng học cho học sinh lớp 1 để có thể áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với thời lượng dạy 2 buổi/ngày”.

* Tự tin với giáo án mới

Với cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường tiểu học Liên Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán), hè này sẽ trở nên bận rộn hơn khi phải hoàn thành giáo án theo sát chương trình giáo dục phổ thông mới cho kịp năm học mới. Cô Hiền chia sẻ, chương trình lớp 1 hiện hành có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn bị gò bó về phương pháp dạy và học, đôi khi giáo viên sẽ không dám vượt quá khuôn khổ của cuốn sách giáo khoa. Với chương trình mới sắp áp dụng, giáo viên có thể thoải mái lựa chọn phương pháp dạy sáng tạo để có thể phát huy tố chất riêng biệt của các em học sinh. Những buổi học trong dự kiến của cô Hiền sắp tới sẽ không chỉ còn tình trạng cô chỉ trò đọc, cô đọc trò chép mà sẽ sinh động hơn khi còn có cả những buổi học trải nghiệm ngoài trời…

Trẻ lớp lá Trường mầm non Abi An Bình (P.An Bình, TP.Biên Hòa)  trải nghiệm chương trình em là học sinh lớp 1. Ảnh: CÔNG NGHĨA
Trẻ lớp lá Trường mầm non Abi An Bình (P.An Bình, TP.Biên Hòa) trải nghiệm chương trình em là học sinh lớp 1. Ảnh: CÔNG NGHĨA

Cô Hiền cho biết: “Tôi đã thực hiện được một số tiết dạy mẫu theo chương trình giáo dục phổ thông mới bằng bộ sách giáo khoa Cánh diều. Điều đầu tiên có thể cảm nhận là rất thoải mái trong cách dạy, giáo viên hoàn toàn được tự do, sáng tạo trong cách thể hiện. Khi được học thử với giáo án của chương trình mới, học sinh đã tỏ rõ sự hứng khởi, nắm bài nhanh và sâu, đặc biệt các em có thể áp dụng ngay vào cuộc sống. Chẳng hạn khi dạy nấu cơm hằng ngày, giáo viên có thể trực tiếp mang nồi cơm điện của nhà mình lên lớp dạy cho các em các bước để nấu một nồi cơm ngon và đủ ăn cho cả gia đình. Nếu sáng tạo hơn, giáo viên còn có thể mời phụ huynh trực tiếp tham gia một số buổi học trải nghiệm với các em ngay trên lớp.

Việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới được xem là cơ hội cho đội ngũ giáo viên có điều kiện đổi mới chính mình, góp phần nâng cao chuyên môn nghề nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn việc dạy và học. Cô Bùi Thị Mai Huê, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho biết, nhà trường đã chuẩn bị áp dụng chương trình mới từ 2 năm nay. Ban đầu Ban giám hiệu và giáo viên chủ chốt đi tập huấn, sau đó tổ chức tập huấn diện rộng cho giáo viên toàn trường. Nhà trường cũng đã lựa chọn xong khá sớm bộ sách giáo khoa áp dụng cho học sinh lớp 1 từ năm học tới. Hiện tại, nhà trường đang để giáo viên tự xây dựng giáo án, thực hiện một số tiết dạy mẫu để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.

* Cần sự thông hiểu của phụ huynh

Dù thời điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đã cận kề, tuy nhiên không ít phụ huynh còn chưa nắm bắt được nội dung, tính ưu việt của chương trình mới này so với chương trình giáo dục phổ thông trước đây. Đặc biệt, nhiều phụ huynh còn cảm thấy hoang mang khi với chương trình phổ thông mới khi trường A học với bộ sách này, còn trường B lại học với bộ sách khác. Phụ huynh còn đặt câu hỏi, học với nhiều bộ sách thì khi thi sẽ theo bộ sách nào. Cũng có phụ huynh băn khoăn, nếu đang học ở trường A với bộ sách này, muốn xin chuyển cho con sang trường B nhưng trường B lại đang học với bộ sách khác thì có được không…

Một buổi trải nghiệm lớp 1 dành cho các bé lớp lá Trường mầm non song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa). Ảnh:C. Nghĩa
Một buổi trải nghiệm lớp 1 dành cho các bé lớp lá Trường mầm non song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa). Ảnh:C. Nghĩa

Từ những băn khoăn trên của phụ huynh, ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT chia sẻ: “Ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới lần này, khung chương trình là pháp lệnh chung. Chương trình đưa ra các yêu cầu cần đạt cho học sinh qua từng lớp. Chẳng hạn, môn Tiếng Việt học hết lớp 1 thì các em có thể đạt được các kỹ năng như: đọc trôi chảy bao nhiêu từ trong 1 phút, viết được bao nhiêu chữ trong 1 phút… Thực chất 5 bộ sách giáo khoa mà Bộ GD-ĐT đã chọn áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông lớp 1 năm học sắp tới chính là 5 cách, 5 con đường khác nhau để học sinh có thể đạt được các kỹ năng cần thiết ấy. Chính vì vậy, sách giáo khoa dù có nhiều bộ khác nhau nhưng cuối cùng chỉ là phương tiện để thể hiện chương trình”.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế cho biết, để tạo được sự đồng thuận, thông hiểu trong phụ huynh về chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới, phòng đã hướng dẫn các trường đẩy mạnh truyền thông cho phụ huynh. Mỗi phụ huynh đều phải hiểu được rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ là pháp lệnh, còn sách giáo khoa chính là ngữ liệu và có thể dùng những bộ sách giáo khoa khác nhau để thể hiện chương trình.

Ngay trong đầu năm học sắp tới khi họp phụ huynh, đặc biệt là với phụ huynh lớp 1, các trường phải thông tin và giải thích thật kỹ cho phụ huynh về chương trình giáo dục phổ thông mới, vì sao chương trình chọn bộ sách giáo khoa này mà không chọn các bộ còn lại. Thậm chí, các trường còn có thể mạnh dạn mời các phụ huynh tham gia các tiết dạy với chương trình mới để phụ huynh thông hiểu và ủng hộ.

Chuẩn bị 800 ngàn bản sách mới

Sở GD-ĐT đã chỉ đạo 317 trường hoàn thành chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Có đến 182 trường đã bỏ phiếu lựa chọn bộ sách Cánh diều. Xếp thứ nhì là bộ sách Chân trời sáng tạo với số lượng 81 trường lựa chọn, chiếm tỷ lệ 25%. 3 bộ sách còn lại chiếm tỷ lệ lựa chọn thấp, từ 2,5-8,8%. Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai đã chuẩn bị sẵn kế hoạch phát hành khoảng 800 ngàn bản sách giáo khoa và sách bài tập cho học sinh lớp 1 vào khoảng đầu tháng 8, kịp chuẩn bị cho khai giảng năm học mới.

Công Nghĩa


Ông Đặng Kim Tòng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Vĩnh Cửu:

Đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ chương trình giáo dục mới

Toàn H.Vĩnh Cửu có 17 trường tiểu học. Dự kiến, năm học 2020-2021 huyện sẽ có tổng cộng 95 lớp 1. Đến thời điểm này, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tham gia dạy lớp 1 đã hoàn thành với tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp.

Về cơ sở vật chất, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày dành cho học sinh lớp 1 theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới. Ngoài ra, UBND H.Vĩnh Cửu còn quan tâm đầu tư 10 tỷ đồng để mua sắm bộ thiết bị nghe - nhìn, đưa vào phục vụ giảng dạy lớp 1 theo chương trình mới.

Riêng Trường tiểu học Tân Phú (xã Thạnh Phú) có sĩ số học sinh tăng nhanh, chủ yếu là con em công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thạnh Phú. Vì vậy, trường không có đủ phòng học đáp ứng giảng dạy theo chương trình mới. Nhà trường đã khắc phục bằng cách tận dụng các phòng học bộ môn cho các lớp học. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã khảo sát tại đây và đã có chủ trương đầu tư kinh phí để xây mới trường theo đúng chuẩn để đáp ứng thực tế. Hiện nay, các thủ tục, hồ sơ đang được tiến hành. Do đó, khó khăn này sẽ được khắc phục trong năm học sau.

Ông Nguyễn Văn Hoàng Long, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom:

Chú trọng công tác tuyên truyền đến phụ huynh

Huyện Trảng Bom có 32 trường tiểu học công lập và 2 trường ngoài công lập có cấp tiểu học. Để chuẩn bị cho việc áp dụng chương trình sách giáo khoa mới lớp 1, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát kỹ tình hình cơ sở vật chất cho năm học mới. Trong đó nêu rõ, học sinh lớp 1 thực hiện học 2 buổi/ngày. Đối với những trường chưa đảm bảo về cơ sở vật chất thì phải tổ chức ít nhất là 6 buổi học/tuần (hiện nay là 5 buổi/tuần). Phòng GD-ĐT cũng đã tham mưu huyện tiếp tục xây mới hoặc sửa chữa đối với các trường bị xuống cấp và ưu tiên dành phòng học cho lớp 1.

Về đội ngũ giáo viên, H.Trảng Bom đã hoàn tất việc tập huấn đại trà cho gần 200 giáo viên dạy lớp 1. Hiện nay, huyện đang có tình trạng thiếu giáo viên nhưng chúng tôi sẽ ưu tiên cho lớp 1 để đảm bảo thực hiện tốt chương trình mới. Đối với các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì tỷ lệ là 1,5 giáo viên/lớp học, trường dạy 6 buổi/tuần thì tỷ lệ này là trên 1,2 giáo viên/lớp học. Chúng tôi cũng đã tiến hành rà soát lại biên chế giáo viên của cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS) của huyện và ưu tiên sắp xếp biên chế cho các trường tiểu học, nhất là giáo viên lớp 1. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tham mưu UBND huyện tuyển dụng bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu và biên chế thay thế giáo viên về hưu, chuyển đi.

Về chọn sách giáo khoa, H.Trảng Bom có 24 trường chọn bộ sách Cánh diều (22 trường công lập và 2 trường tư thục), 10 trường còn lại chọn bộ sách Chân trời sáng tạo. Hiện nay, 10 trường chọn bộ sách Chân trời sáng tạo đã được tham dự tập huấn sách giáo khoa tại tỉnh Bình Thuận. Sắp tới, 24 trường còn lại sẽ tham gia tập huấn sách giáo khoa tại Trường đại học Đồng Nai.

Một trong những nội dung được H.Trảng Bom đặc biệt quan tâm đó là công tác thông tin, tuyên truyền về việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới lớp 1. Phòng GD-ĐT sẽ phối hợp với Trung tâm Văn hóa - thông tin huyện để truyền thông đến nhân dân toàn huyện. Chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đến đối tượng phụ huynh có con đang học tại các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn. Các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục phải có trách nhiệm tuyên truyền đến phụ huynh, nhất là phụ huynh có con 5 tuổi vào lớp lá để phụ huynh có thời gian tìm hiểu, chuẩn bị.

Ông Trần Ngọc Trác, chuyên viên giáo dục tiểu học (Phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc):

Giáo viên sẽ được tập huấn sách giáo khoa để nắm cụ thể, chi tiết hơn

Huyện Xuân Lộc có 34 cơ sở giáo dục tiểu học. Năm học tới, toàn huyện sẽ có 140 lớp 1 với tổng số khoảng 4.500 học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, H.Xuân Lộc đã ưu tiên hoàn tất tập huấn giáo viên trực tiếp dạy lớp 1, số giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục sẽ được tập huấn sau.

Ngoài tập huấn chương trình, trong tháng 7, giáo viên cũng sẽ được tập huấn về sách giáo khoa. Ở H.Xuân Lộc, có 50% trường học chọn bộ sách Cánh diều, 50% chọn các bộ sách còn lại. Việc tập huấn chương trình đã giúp cho giáo viên nắm được tinh thần chương trình giáo dục mới, tập huấn sách giáo khoa giúp cho giáo viên nắm cụ thể, chi tiết hơn.

Về cơ sở vật chất, H.Xuân Lộc đảm bảo 100% lớp 1 đều được học 2 buổi. Theo lộ trình áp dụng sách giáo khoa mới theo kiểu cuốn chiếu, khi thực hiện sách mới cho lớp 4 thì mới bắt đầu thiếu lớp. Phòng GD-ĐT huyện cũng đã có tham mưu với UBND huyện để chuẩn bị trước điều này.

Khó khăn của chúng tôi hiện nay là vẫn chưa rõ thông tin về việc mua sắm trang thiết bị dạy học lớp 1 sẽ do UBND huyện chi hay do tỉnh cấp. Vì vậy, đến thời điểm này các trường đều phải chờ. Trong khi đó, Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 lại yêu cầu khá nhiều thiết bị dạy học. Chúng tôi mong sớm có thông tin về vấn đề này và nếu như tỉnh đầu tư thì cũng phải tiến hành nhanh mới kịp.

Cô Nguyễn Thị Hồng Bích, Hiệu trưởng Trường tiểu học Huỳnh Tấn Phát (xã Phú Xuân, H.Tân Phú):

Trường chưa có điều kiện tổ chức bán trú cho học sinh

Trường chúng tôi chọn bộ sách Cánh diều cho chương trình lớp 1 mới và đã thông báo đến phụ huynh. Hiện nay, giáo viên của trường đã hoàn thành tập huấn, làm bài trực tuyến theo chương trình tập huấn của Bộ GD-ĐT và tập huấn trực tiếp tại huyện theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT.

Năm học mới, trường chúng tôi có 4 lớp 1. Cơ sở vật chất đảm bảo cho việc học 2 buổi/ngày. Về phía nhà trường không có khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay trường vẫn chưa thể tổ chức học bán trú được (không có nhà ăn, phòng ngủ trưa, không có cấp dưỡng).

Ở địa phương, điều kiện kinh tế của phụ huynh còn nhiều khó khăn nên sẽ khó có thể cho con học bán trú. Vì vậy, khó khăn nhất có lẽ chính là các em học sinh phải đi về nhà vào buổi trưa rồi quay lại trường học vào buổi chiều. Đa số học sinh ở đây dù còn nhỏ nhưng đều tự đi học.

Hải Yến (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích