Báo Đồng Nai điện tử
En

Huy động nhiều "kênh" tạo vốn

04:10, 19/10/2020

Với số lượng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, nếu chỉ trông đợi vào vốn ngân sách nhà nước sẽ không đủ để thực hiện. Do đó, UBND tỉnh dự kiến sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn lực để đầu tư các dự án về hạ tầng kỹ thuật và nhu cầu có thể gần 30 ngàn tỷ đồng.

Với số lượng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, nếu chỉ trông đợi vào vốn ngân sách nhà nước sẽ không đủ để thực hiện. Do đó, UBND tỉnh dự kiến sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn lực để đầu tư các dự án về hạ tầng kỹ thuật và nhu cầu có thể gần 30 ngàn tỷ đồng.

Sau khi đầu tư tuyến đường ven sông Cái, tỉnh sẽ khai khác quỹ đất có lợi thế bên đường
Sau khi đầu tư tuyến đường ven sông Cái, tỉnh sẽ khai khác quỹ đất có lợi thế bên đường. Ảnh:K. Minh

Nguồn vốn đầu tư công của tỉnh được phân bổ khoảng 7-8 ngàn tỷ đồng/năm (không kể các dự án của Trung ương trên địa bàn). Với số vốn trên, tỉnh phải “liệu cơm gắp mắm”, phân chia cho hàng trăm dự án ở các huyện, thành phố sẽ không đủ. Tỉnh phải huy động thêm nguồn vốn từ doanh nghiệp, đấu giá đất, người dân để đầu tư.

* Thêm vốn từ đấu giá đất

Vốn đầu tư công của ngân sách nhà nước chỉ là “vốn mồi”, vì mỗi năm tỉnh được Trung ương phân bổ 7-8 ngàn tỷ đồng, số tiền này chỉ đủ cho Đồng Nai thực hiện 1 dự án lớn là hết. Vì thế, tỉnh sẽ dùng nguồn vốn đầu tư công, vốn vay thực hiện các tuyến đường quan trọng. Sau đó, sẽ tiến hành thu hồi những khu đất “vàng” ở gần các tuyến đường mới mở ra và tiến hành đấu giá lấy tiền trả lại vốn đã vay và phần dư ra thực hiện tiếp các dự án khác.

Đây là một trong số phương pháp khả thi nhất trong thời điểm hiện tại để có vốn đầu tư hạ tầng giao thông và các dự án trên những lĩnh vực khác, mở ra các cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, các công trình, dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật của tỉnh đều trông đợi vào nguồn thu từ đất. Vì thế, trong đợt này, các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh đều phải tính toán trước những tuyến đường sẽ mở ra, khu đất có giá trị để đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng... UBND tỉnh sẽ ưu tiên ứng vốn cho các địa phương thực hiện các tuyến đường, sau đó thu hồi đất đấu giá trả lại cho tỉnh. Các khu đất đấu giá được số tiền từ 100 tỷ đồng trở xuống sẽ để lại cho địa phương đầu tư các công trình khác, trên 100 tỷ đồng sẽ đưa về tỉnh để cân đối, nhưng sẽ ưu tiên cho các dự án quan trọng tại địa phương đó.

Theo ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GT-VT, Sở đã hoàn thành quy hoạch giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn tới và hiện đang yêu cầu các huyện, thành phố cập nhật vào trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 để thực hiện. Các tuyến đường mở ra, giá đất khu vực xung quanh thường tăng cao gấp nhiều lần khi chưa có đường. Đây sẽ là lợi thế cho tỉnh, địa phương khai thác nguồn vốn từ đất.

Về phía tỉnh, sẵn sàng ứng vốn cho các địa phương thực hiện khu tái định cư để di dời người dân bị thu hồi đất thực hiện dự án giao thông. Các tuyến đường nhanh chóng được xây dựng đưa vào khai thác sẽ đem lại nhiều lợi ích như: giao thông thuận tiện, thu hút đầu tư các dự án trên nhiều lĩnh vực tốt hơn, tăng thu ngân sách nhà nước, có thêm các quỹ đất “vàng” tạo vốn tái kiến thiết các công trình công cộng phục vụ cho người dân.

* Huy động từ nhiều nguồn khác

Khi có vốn đầu tư hệ thống giao thông kết nối tốt, các địa phương dễ dàng mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đang trông đợi Đồng Nai phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 và quy hoạch tỉnh. Biết rõ được các quy hoạch ở từng khu vực, doanh nghiệp sẽ có kế hoạch đầu tư vào từng lĩnh vực. Có những tập đoàn dự tính sẽ thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh với tổng vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Chương, Giám đốc phát triển dự án của Tập đoàn Vingroup cho biết: “Tập đoàn dự tính đầu tư dự án phức hợp gồm chung cư cao tầng, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại tại TP.Biên Hòa. Dự tính nguồn vốn để thực hiện dự án lên đến trên ngàn tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa”. 

Có nhiều doanh nghiệp đã đề xuất cho tham gia thực hiện các dự án, công trình hạ tầng của tỉnh như: đường ven sông Đồng Nai, đường nối cầu Bửu Hòa với quốc lộ 1K, đường trục trung tâm (TP.Biên Hòa); hạ tầng Khu công nghiệp Cẩm Mỹ, Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ): Khu công nghiệp Hàng Gòn (TP.Long Khánh), Khu công nghiệp Gia Kiệm (H.Thống Nhất)…

Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất cho hay: “Thống Nhất là đầu mối giao thông của tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây nguyên... Sắp tới, các đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương được xây dựng xong và đưa vào khai thác sẽ rất thuận tiện. Do đó, các doanh nghiệp tìm đến dự tính đầu tư vào các lĩnh vực khá nhiều. Việc huy động vốn từ doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trong giai đoạn tới sẽ dễ dàng hơn”.

Hạ tầng giao thông tốt sẽ là “bàn đạp” cho phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị trên địa bàn. Thu nhập của người dân cũng sẽ nâng lên, đây là nguồn lực lớn có thể huy động đầu tư giao thông liên ấp, tổ... Đồng Nai đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới là do huy động sức mạnh của toàn dân. Vì thế, nếu có thể vận dụng, huy động cho các chương trình khác cũng sẽ rất hiệu quả.

Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ huy động vốn đầu tư toàn xã hội lên đến trên 500 ngàn tỷ đồng. Con số trên sẽ thực hiện được nếu tỉnh tạo niềm tin, lợi thế để doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư và góp sức.         

Khánh Minh

Tin xem nhiều