Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển nông nghiệp hữu cơ

09:03, 17/03/2022

Từ năm 2020, Bộ NN-PTNT đã triển khai đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Định hướng chung của đề án nhằm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Từ năm 2020, Bộ NN-PTNT đã triển khai đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Định hướng chung của đề án nhằm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Dưa lưới của Việt Farm đưa đi kiểm nghiệm và đạt sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, không phát hiện thành phần phân bón vô cơ. Ảnh: LÊ QUYÊN
Dưa lưới của Việt Farm đưa đi kiểm nghiệm và đạt sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, không phát hiện thành phần phân bón vô cơ. Ảnh: LÊ QUYÊN

Theo đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030. Trong thực tế, một số doanh nghiệp (DN), HTX, chủ trang trại đã quan tâm đầu tư sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, chuyển đổi sản xuất hữu cơ cần quá trình dài hạn, đầu tư tốn kém với nhiều bài toán cần đặt ra về chính sách, hạ tầng, quy định về sản xuất, chứng nhận, thị trường…

* Hành trình dài, gian khó

Câu chuyện đầu tư sản xuất và phát triển thị trường cho sản phẩm hữu cơ chưa bao giờ là chuyện đơn giản với cả DN và nông dân.

Trong chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Đồng Nai cũng đề ra những mục tiêu tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có 500ha cây ăn trái đạt chứng nhận hữu cơ; 630ha diện tích cây công nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ; 200ha rau đạt chứng nhận hữu cơ; có sản phẩm chăn nuôi hữu cơ như: heo, bò, gia cầm… Diện tích và sản lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt chứng nhận hữu cơ tiếp tục tăng lên, có loại đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi vào năm 2030.

Vào tháng 3 năm nay, Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (Việt Farm, tại xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) đã làm việc với đoàn đánh giá nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Theo báo cáo đánh giá chuyển đổi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, DN cần tiếp tục thực hiện nhiều yêu cầu theo tiêu chuẩn hữu cơ như: phải có quy trình hoạt động sản xuất hữu cơ; người điều hành sản xuất hoặc quản lý sản xuất trực tiếp phải được đào tạo về nông nghiệp hữu cơ do tổ chức chứng nhận triển khai, tiếp tục chuẩn hóa các tiêu chuẩn về đất, nước… Để đạt được chứng nhận hữu cơ, DN còn phải thực hiện nhiều bước tiếp theo. Nhưng để đến được giai đoạn hiện nay, ngay từ khi mới đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vào năm 2008 đến nay, Việt Farm đã trải qua cả hành trình dài, gian khó.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (Việt Farm) Trần Quang Tính kể: “Tôi mất 10 năm đầu tiên để “giải mã” về con gà để chuẩn hóa được quy trình nuôi hoàn toàn tự động từ hệ thống cho ăn đến thu gom phân gà, hệ thống làm mát, nguồn phân thải ra được làm khô, xử lý ngay để bảo toàn nguồn dinh dưỡng đồng thời trại nuôi không mùi, không ruồi. Việt Farm là DN đi tiên phong đầu tư nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao trên địa bàn tỉnh không chỉ vì sản xuất phân bón hữu cơ công nghệ cao mà còn đầu tư trang trại sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao từ trồng cây trong nhà màng đến khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Tuy sản phẩm của trang trại chỉ mới đạt chứng nhận GlobalGAP nhưng ngay từ những ngày đầu bắt tay vào sản xuất, Việt Farm đã xây dựng theo quy trình sản xuất chuẩn hữu cơ ứng dụng công nghệ cao như: nguồn đất sạch để trồng cây trong nhà màng là cát được xử lý nhiệt để triệt tiêu các mầm bệnh và nấm có thể gây hại cho cây trồng trộn với phân bón hữu cơ. Hệ thống nhà màng áp suất âm thông minh có thể điều chỉnh được nhiệt độ, áp suất và tốc độ gió. Nhờ hệ thống nhà màng tiên tiến kháng sâu bệnh này nên quy trình trồng rau, dưa lưới của trang trại không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Rau, dưa lưới được phát triển tự nhiên, thu hoạch khi đủ tuổi, không sử dụng thuốc kích thích…

Phó chủ tịch VÕ VĂN PHI đề nghị các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm triển khai có hiệu quả các nội dung ký kết, trước mắt tập trung ở một số huyện có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, Đồng Nai là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, với tổng đàn heo và gà luôn đứng tốp đầu của cả nước; diện tích cây tiêu, điều thuộc loại lớn nhất ở khu vực phía Nam. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm quy hoạch các khu chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Do đó, việc ký kết hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, một DN có nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ đã được khẳng định ở trong nước sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, mang lại lợi ích cho người nông dân.

Ông Trần Quang Tính chia sẻ: “Muốn làm được nông sản hữu cơ phải đạt những điều kiện khắt khe như: đất, nước, phân bón, môi trường... đều phải sạch. Đất ở đây không đạt chuẩn nên tôi tự làm đất sạch bằng cách đưa cát chưa từng được canh tác nông nghiệp từ tỉnh Bình Thuận về trộn với phân hữu cơ. Tôi cũng cho khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm dưới sâu và xử lý để đạt độ an toàn…”.

Các sản phẩm của Việt Farm đều đưa đi kiểm nghiệm và đều đạt mẫu sản phẩm rau, trái cây có nguồn gốc hữu cơ, không phát hiện thành phần phân bón vô cơ. Nhưng để đạt được chứng nhận hữu cơ, Việt Farm vẫn còn nhiều bước phải tiếp tục đầu tư. Theo ông Tính: “Hiện nay, DN có nhiều đối tác nước ngoài đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu rau trái hữu cơ nên cần làm chứng nhận để sản phẩm tham gia tốt thị trường xuất khẩu. Ngoài câu chuyện làm kinh tế, mục tiêu của tôi còn là làm ra thực phẩm sạch trước hết cho chính gia đình mình sử dụng rồi mở rộng ra người tiêu dùng”.

Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) đang làm chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm rau, trái trồng tại trang trại
Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) đang làm chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm rau, trái trồng tại trang trại. Ảnh: LÊ QUYÊN

Công ty CP Vinamit (tỉnh Bình Dương) là DN chế biến đi tiên phong đầu tư trang trại quy mô lớn sản xuất hữu cơ tại Việt Nam và xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit Nguyễn Lâm Viên chia sẻ, canh tác hữu cơ cần quá trình đầu tư dài hơi, tốn kém chứ không thể là một sớm một chiều nên sản phẩm organic chưa thể có giá rẻ và bán đại trà được. Để trang trại sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ, DN mất nhiều năm dài đầu tư mới có sản phẩm rau trái organic cung cấp ra thị trường.

 Ví dụ, để làm ra trái chuối organic tại Việt Nam, DN tốn rất nhiều công, nhiều của để có được sự xác nhận giống không biến đổi gen của cơ quan chứng nhận ở Mỹ. Tuy DN có trung tâm sinh học phục vụ công tác nghiên cứu nhưng vẫn phải bỏ rất nhiều thời gian mới tìm ra cách trừ sâu bệnh cho cây chuối bằng giải pháp sinh học. Ngoài ra, còn hàng loạt bài toán khó về tìm thị trường, xây dựng thương hiệu DN đều phải tính đường dài trong đầu tư.

* Định hướng nhân rộng ở Đồng Nai

Đồng Nai đang triển khai thực hiện đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030. Trong đó gồm các nội dung như: xác định được cụ thể các vùng tập trung có tiềm năng theo quy mô, địa điểm, cây trồng, vật nuôi để phát triển theo hướng hữu cơ đến năm 2030.

Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) đang làm chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm rau, trái trồng tại trang trại
Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) đang làm chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm rau, trái trồng tại trang trại

Cụ thể, phải xác định được các dự án, mô hình điểm về phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ hướng đến xuất khẩu. Trong đó, định hướng phát triển, phương án đề xuất, vùng tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với định hướng chung về phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung theo các quy hoạch của tỉnh Đồng Nai và có tính khả thi cao.

Tín hiệu vui là vừa qua, UBND tỉnh đã ký kết hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM). Nội dung ký kết nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cây lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, ca cao, hồ tiêu, cà phê, điều, sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; các sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản.

Ngoài ra, hai bên còn hợp tác bồi dưỡng, tập huấn về quy trình kỹ thuật, công tác quản lý các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; phối hợp xây dựng cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ; triển khai công tác tuyên truyền, vận động nông dân, người tiêu dùng nhận thức về nông nghiệp hữu cơ, nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, hợp tác và chuyển giao quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ hữu cơ, hữu cơ vi sinh cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Phối hợp phát triển thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ; quảng bá, xây dựng thương hiệu; phát triển thị trường, kênh phân phối các sản phẩm hữu cơ của tỉnh.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều