Báo Đồng Nai điện tử
En

Sở hữu trí tuệ: Vì một tương lai tốt đẹp hơn

06:04, 26/04/2022

Ngày 26-4 hằng năm được Tổ chức Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới (WIPO) chọn làm Ngày SHTT thế giới nhằm tôn vinh vai trò của SHTT trong đời sống kinh tế - xã hội và nâng cao nhận thức của cộng đồng, khuyến khích tư duy đổi mới, sáng tạo.

Ngày 26-4 hằng năm được Tổ chức Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới (WIPO) chọn làm Ngày SHTT thế giới không chỉ để tôn vinh vai trò của SHTT trong đời sống kinh tế - xã hội mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng và khuyến khích tư duy đổi mới, sáng tạo.

Đồng Nai đang nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nghe giới thiệu về sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp Đồng Nai
Đồng Nai đang nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nghe giới thiệu về sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp Đồng Nai. Ảnh: V.Thế

Chính phủ đã xác lập vai trò quan trọng của SHTT, coi đó là một trong những yếu tố để nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu quốc gia. Tại Đồng Nai, việc thực thi quyền SHTT cũng có những nỗ lực và đạt được kết quả nhất định.

* SHTT đóng vai trò quan trọng trong phát triển

SHTT được xem là một tài sản lớn, hữu ích của DN. Đặc biệt là quyền SHTT liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, nó có ý nghĩa ngày càng lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của mỗi tổ chức, đơn vị. Do đó, vai trò của quyền SHTT ngày càng được coi trọng hơn trong đời sống xã hội.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định các mục tiêu cụ thể cho sự phát triển của đất nước trong những năm tới: "Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao". Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược SHTT đến năm 2030. Mục tiêu mà chiến lược hướng đến là đưa SHTT thành công cụ quan trọng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tạo dựng văn hóa SHTT trong cộng đồng và doanh nghiệp (DN).

Trong chiến lược SHTT đến năm 2030, Đồng Nai đề ra mục tiêu cụ thể như: hỗ trợ tạo lập và đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và giống cây trồng mới, mỗi năm ít nhất 30 đơn vị, 20 tác phẩm, 1 giống cây trồng. Hỗ trợ xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương với ít nhất 32 nhãn hiệu được chứng nhận. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài với ít nhất 10 nhãn hiệu...

Theo ông Nguyễn Phương Minh, Phó trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại Cục SHTT, tầm quan trọng của bảo hộ quyền SHTT trong việc phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo ngày càng được thừa nhận rộng rãi. Các DN sử dụng quyền SHTT để phát triển, tạo dựng giá trị, thực hiện các hoạt động thương mại và tăng trưởng doanh thu từ những phát minh của họ. Quyền SHTT của DN giúp nhà đầu tư an tâm đầu tư tài chính vào DN đó.

Trên thực tế, cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, SHTT ngày càng được coi trọng. Theo Bộ KH-CN, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực. Công tác xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được thực hiện đúng tiến độ đề ra. Việc triển khai chiến lược SHTT quốc gia và chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của KH-CN ở bộ, ngành và địa phương.

Trong năm 2021, lượng đơn đăng ký sáng chế và kiểu dáng công nghiệp vẫn tăng khá cao (tương ứng là 9,1% và 11,9%) so với năm 2020; kết quả xử lý đơn sở hữu công nghiệp tăng 3,8%, trong đó kết quả xử lý đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 6,3%. Kết quả giải quyết đơn khiếu nại về sở hữu công nghiệp tăng 29% và các loại đơn/yêu cầu liên quan đến văn bằng bảo hộ tăng trên 15%.

* Đồng Nai nỗ lực thực thi quyền SHTT

Đồng Nai là một trong những điểm sáng của cả nước trong nhiều năm qua về SHTT. Nhất là trong 2 năm gần đây khi đại dịch Covid-19 hoành hành thì Đồng Nai vẫn đứng tốp đầu của cả nước về lượng đơn đăng ký xác lập quyền về SHTT nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng. Lượng đơn đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và giải pháp hữu ích năm 2021 khoảng hơn 1,4 ngàn đơn và khoảng 447 đơn được cấp văn bằng.

Doanh nghiệp Đồng Nai đầu tư cho nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình
Doanh nghiệp Đồng Nai đầu tư cho nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình

Phó giám đốc Sở KH-CN Huỳnh Minh Hậu cho biết, trong thời gian qua, Sở KH-CN đã đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ DN, cá nhân xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược SHTT tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các trường đại học để triển khai tuyên truyền sâu rộng về SHTT như: quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích đến DN và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Cũng theo ông Huỳnh Minh Hậu, bên cạnh xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; số hóa cấp bản quyền tác giả các đề tài, dự án, Đồng Nai đang thực hiện xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để bảo hộ quyền SHTT. Đồng thời, xây dựng không gian khởi nghiệp chung để ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ xác lập quyền SHTT đối với những sản phẩm độc đáo.

Tuy đã có những kết quả tích cực song vẫn còn tồn tại những hạn chế trong thực hiện quyền SHTT tại địa phương. Theo đó, thiếu sự phối hợp hoạt động về SHTT giữa các sở, ban, ngành, đơn vị ở một số lĩnh vực cụ thể. Công tác phổ biến, tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về SHTT còn hạn chế, việc xúc tiến, quảng bá cho thương hiệu đã được bảo hộ còn hạn hẹp, công tác kiểm tra, thanh tra còn bất cập với thực tiễn.

Vương Thế


Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP.HCM: Người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để đất nước phát triển

Thanh niên phải dám hành động, đam mê và chứng tỏ bản thân mình. Hiện đất nước chúng ta cũng đã có một số “start-up kỳ lân” (dự án khởi nghiệp vượt trội) với mức gọi vốn trên 1 tỷ USD. Đã có nhiều bạn trẻ mới 16 tuổi đã khởi nghiệp và thành công ở tuổi 22-23 nhờ liên tục đổi mới sáng tạo.

Khi khởi nghiệp, các start-up phải có sự chuẩn bị. Đặc biệt, trong thời kỳ toàn cầu hóa, các bạn trẻ phải nắm luật chơi, quy định của quốc tế để không vi phạm luật, trong đó phải nghiên cứu sâu về SHTT. Đồng thời, nhanh chóng đăng ký bảo hộ, xác lập quyền đối với những nghiên cứu đổi mới sáng tạo của mình. Đi từ nhỏ nhưng tầm nhìn, mục tiêu, xứ mệnh phải là toàn cầu”.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO & hội nhập (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI): Doanh nghiệp cần am hiểu về quy định SHTT để hội nhập

Quy định về SHTT cho thấy rất nhiều thách thức đối với DN Việt nhưng việc thực thi bảo hộ SHTT còn khó khăn hơn. Nếu DN không am hiểu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ khó nắm bắt hiệu quả các cơ hội đến từ hiệp định này. Cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ.

Có được cơ hội là may mắn nhưng việc có hiện thực hóa được cơ hội hay không lại phải trông đợi vào chính sự chủ động của DN. Nhà nước hay các tổ chức nào khác không thể làm thay được. Chúng tôi đang cố gắng để tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức thương mại để DN nắm rõ hơn các cam kết. DN cũng có thể liên hệ trực tiếp tới VCCI để làm rõ những thắc mắc của mình”.

Ông Nguyễn văn Liệt, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đồng Nai: Cần tăng cường đào tạo về SHTT trong trường đại học

Trong một nền sản xuất hàng hóa phát triển nhanh và hội nhập kinh tế sâu rộng thì việc vi phạm về quyền SHTT đang là một thực tế hiển hiện. Nhiều năm công tác tại Sở KH-CN và theo dõi mảng này chúng tôi thấy cần nâng cao nhận thức về SHTT mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề.

Theo tôi, sinh viên các trường đại học là nguồn lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế của đất nước, họ cũng là chủ nhân của các DN tương lai. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần có các dự án nâng cao năng lực SHTT cho các trường đại học, tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT tại các trường để đưa vấn đề này thành nhiệm vụ thường xuyên. Riêng tại Đồng Nai cũng có một số trường đại học và có thể áp dụng để đáp ứng nhu cầu xã hội.

            Đào Lê (ghi)


 

Tin xem nhiều