Báo Đồng Nai điện tử
En

Người thầy đầu tiên

11:11, 19/11/2008

Ngày 20-11, ngày Hiến chương Nhà giáo lại về trong cái nắng ấm áp ở một thành phố phương Nam, tôi bồi hồi nhớ về nơi xa ấy - nơi cha mẹ tôi, cũng là những người thầy, người cô - đang sinh sống và làm việc. Tôi đặc biệt nhớ về người Cha, người thầy đầu tiên của mình.

Ngày 20-11, ngày Hiến chương Nhà giáo lại về trong cái nắng ấm áp ở một thành phố phương Nam, tôi bồi hồi nhớ về nơi xa ấy - nơi cha mẹ tôi, cũng là những người thầy, người cô - đang sinh sống và làm việc. Tôi đặc biệt nhớ về người Cha, người thầy đầu tiên của mình.

 

Người ta thường nói rằng, cái gì được gọi là đầu tiên thường rất sâu sắc, không dễ gì quên được thật chẳng sai tí nào. Khi mới 4 tuổi, lần đầu tiên tôi được làm quen với những câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Cha tôi đọc và ngâm Kiều để ru tôi ngủ hoặc trong những lúc cùng ngồi chơi với tôi. Rồi chẳng biết tự lúc nào, những vần thơ ấy cứ ngấm dần vào trái tim, tâm hồn tôi.

 

Theo năm tháng, tôi lớn dần lên bên cha. Không thể nói hết được những điều mà ông đã dạy dỗ, bảo ban tôi. Không chỉ là những lời nói suông mà trong từng hoàn cảnh, qua cách làm việc say mê không biết mệt mỏi của ông, tôi đã học được nhiều điều thật nhân văn. Cũng giống như nhiều thầy, cô giáo khác của Trường đại học sư phạm Huế, vào những năm 1977 - 1987, cha tôi đã ra sức tăng gia để cải thiện đời sống. Là con gái lớn trong nhà, tôi thường theo cha, sau những giờ làm việc và giảng dạy cật lực ở trường, xuống miếng đất mé sông Bến Ngự để trồng bạch đàn hoặc vớt rong lên bón cho vài cây na, cây ổi trong vườn. Có những hôm cha bị mảnh gai đâm chảy cả máu chân. Vừa làm ông vừa giải thích cho tôi bao điều về cách trồng cây, cách bón phân và tôi không sao quên được mùi vị ngọt ngào của những quả na, quả ổi mỗi mùa thu hoạch - thành quả lao động của hai cha con. Tôi bắt đầu thực sự biết yêu, biết ham thích lao động từ thuở ấy - bởi ông đã truyền tình yêu lao động sang tôi một cách thật ngẫu nhiên và cụ thể.

 

Lúc tôi còn là học sinh phổ thông và cả sau này, khi đã trở thành sinh viên, tôi là "cô thư ký nhỏ" của cha. Tôi chép lại những tư liệu cần thiết cho ông, viết lại giúp ông những bài báo để gửi đăng ở các báo, tạp chí... Trước khi tôi chép lại, ông đọc qua cho tôi nghe một lần và tôi cảm nhận được tâm huyết, tình cảm của cha sau những dòng chữ ấy. Đó là cách gián tiếp cha dạy tôi viết câu cho đúng ngữ pháp, biết yêu văn học, biết hướng về những giá trị nhân văn...

 

Như mọi người thường nói thì tôi và cả em gái tôi nữa, đã tiếp nối truyền thống gia đình: đều đã trở thành giáo viên. Trong một lần hai cha con ngồi trò chuyện, ông dặn dò tôi: "Đã là giáo viên thì không được dạy dở. Dạy hay thì khó lắm, nhưng tuyệt đối không được dạy dở!". Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi câu nói của cha. Các thế hệ học trò đã từng được ông trực tiếp giảng dạy, chỉ cần nhắc đến "thầy Việt"(*) là bao ấn tượng và cảm xúc lại ùa đến với họ. Ông là người thầy nổi tiếng nghiêm khắc nhưng lại chứa chan tình yêu học trò. Tôi không sao quên được có những lần, trong lúc hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, học trò đã phải ứa nước mắt, có khi muốn bỏ cuộc vì thầy "quá nghiêm khắc", và có lúc thầy cũng muốn ứa nước mắt với trò vì thầy "cực quá" hoặc "bực quá". Nhưng rồi tất cả đã qua đi, chỉ còn lại niềm vui với kết quả luận văn được đánh giá cao ở Hội đồng bảo vệ...

 

Mỗi lần nhớ về cha, trước mắt tôi lại hiện lên hình dáng ông ngồi viết bên chiếc bàn làm việc, cặm cụi và say mê. Hình như thời gian không thể làm cha mệt mỏi bởi sức lao động dẻo dai, bền bỉ. Nhìn lại những gì ông đã làm mới thấy giật mình, một khối lượng công việc quá đồ sộ. Tôi biết, cha vẫn còn nhiều khát vọng - khát vọng làm việc, khát vọng viết xong mấy cuốn sách chưa hoàn thành...

 

Tôi luôn tâm niệm rằng, những gì mình có được ngày hôm nay là nhờ có cha đã cho tôi cuộc sống, và nhờ có người thầy - người đã cho tôi tình yêu với cuộc sống, cho tôi tri thức và văn hóa làm Người.

Phạm Thị Hồng Vân

Tin xem nhiều