Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối mặt với nguy cơ

11:03, 16/03/2016

Một chuyên gia người Nhật tâm sự, trong thời gian làm công tác huấn luyện để chuyển giao công nghệ tại một số doanh nghiệp ở Đồng Nai, ông sợ nhất là thói quen làm ẩu, làm "tắt" quy trình của các công nhân.

Một chuyên gia người Nhật tâm sự, trong thời gian làm công tác huấn luyện để chuyển giao công nghệ tại một số doanh nghiệp ở Đồng Nai, ông sợ nhất là thói quen làm ẩu, làm “tắt” quy trình của các công nhân. Dù đã công bố, hướng dẫn quy trình, tập huấn các thao tác rất kỹ lưỡng, nhưng cứ ngơ mắt là thỉnh thoảng lại xảy ra tình trạng công nhân không tuân thủ quy trình vận hành. “Tôi không hiểu vì sao họ lại thờ ơ với tính mạng của chính mình như vậy, bởi đôi khi chỉ cần một người vi phạm quy trình, làm không đúng thao tác là tai nạn lao động có thể xảy ra ngay lập tức” - vị chuyên gia băn khoăn nói.

Ai cũng biết, tai nạn lao động là vấn nạn lớn trong xã hội công nghiệp. Khi tai nạn lao động xảy ra, người lao động không những bị tổn hại về tính mạng, sức khỏe, khả năng làm việc, đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, mà gia đình của họ cũng gặp khốn khó do mất người thân, mất trụ cột lao động, dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, thu nhập giảm sút và có thể rơi vào tình trạng đói nghèo. Với người sử dụng lao động, tai nạn lao động sẽ gây thiệt hại về chi phí sửa chữa máy móc, thiết bị, nhà xưởng; chi phí về y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động và thân nhân của họ. Đó là chưa kể uy tín của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, trong một số trường hợp hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng việc để khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân gây tai nạn, ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, doanh thu, đồng thời gây tâm lý lo lắng, căng thẳng trong toàn đơn vị.

Rõ ràng khi có tai nạn lao động, mất mát, thiệt hại là quá nhiều. Vậy tại sao tai nạn lao động vẫn cứ  xảy ra, thậm chí năm sau cao hơn năm trước?

Theo phân tích từ các vụ tai nạn lao động, có đến 93,8% vụ tai nạn lao động xảy ra do hành vi không an toàn từ phía người lao động; 87,7% xảy ra vì điều kiện lao động không an toàn; 82,6% do cả 2 nguyên nhân trên. Điều này cho thấy tai nạn lao động có thể giảm thiểu nếu kiểm soát tốt các yếu tố như hành vi và điều kiện làm việc.

Nhìn lại thực tế từ Nhật Bản, từ năm 1973 nước Nhật đã phát động phong trào “không tai nạn”, từ đó đã giảm thiểu số vụ tai nạn lao động xuống mức thấp. Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có giải pháp “dự đoán các tình huống nguy hiểm”, nghĩa là các doanh nghiệp, người lao động bắt buộc phải nhìn thấy những nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động, kể cả những thao tác hết sức lặt vặt nhưng có thể gây nguy hiểm, như: quên cột dây giày dẫn đến vấp ngã, bỏ tay vào túi quần gây mất thăng bằng khi di chuyển…  Một giải pháp khác là “chỉ tay, gọi tên” khi thao tác để đảm bảo an toàn, không nhầm lẫn trong quy trình.

Các giải pháp này nói lên điều gì? Đó là: để phòng ngừa tai nạn lao động hiệu quả thì các biện pháp đưa ra không thể sáo rỗng, hình thức, mà phải đối mặt với những nguy cơ để không chủ quan. Có một “căn bệnh” lâu nay trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động, đó là bệnh hình thức. Người lao động được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động bằng những bài học suông, không ăn sâu vào tiềm thức để chủ động bảo vệ bản thân. Người sử dụng lao động còn có tình trạng “đối phó” trong công tác an toàn vệ sinh lao động, chưa quan tâm đến hậu quả và tác hại lâu dài của tai nạn lao động.

Mục tiêu của nước ta trong thời gian tới đã được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Một nền công nghiệp hiện đại thì không thể chấp nhận việc thiếu đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, không thể thờ ơ với vấn nạn tai nạn lao động.  

HÀ LAM

 

Tin xem nhiều