Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Mai này còn gốm Biên Hòa?

08:09, 30/09/2011

Gốm ở Biên Hòa không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn gắn với văn hóa lịch sử hơn 300 năm của vùng đất Biên Hòa- Đồng Nai. Thậm chí có một thời, xuất khẩu  gốm Biên Hòa còn đứng đầu cả nước. Thế nhưng, ít ai ngờ nhiều cơ sở sản xuất gốm Biên Hòa hiện đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, giải nghệ.

Gốm ở Biên Hòa không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn gắn với văn hóa lịch sử hơn 300 năm của vùng đất Biên Hòa- Đồng Nai. Thậm chí có một thời, xuất khẩu  gốm Biên Hòa còn đứng đầu cả nước. Thế nhưng, ít ai ngờ nhiều cơ sở sản xuất gốm Biên Hòa hiện đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, giải nghệ.

Nhắc đến gốm Biên Hòa - Đồng Nai, những người sành về gốm nhớ ngay đến 2 dòng gốm nổi tiếng là gốm trang trí và gốm đen. Gốm Biên Hòa có những nét đặc sắc riêng cuốn hút nhiều người nước ngoài,  đa số gốm sản xuất ra được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật, Mỹ… Cách đây 10 năm, xuất khẩu gốm ở Đồng Nai đạt khoảng 5 triệu USD/năm, song đến năm 2010 chỉ còn trên 1 triệu USD/năm và dự tính năm 2011 tiếp tục giảm.

 * Sản xuất cầm chừng

Nếu năm 2001, toàn tỉnh có trên 300 cơ sở sản xuất gốm, chủ yếu tập trung ở TP.Biên Hòa thì đến năm 2010 giảm xuống còn khoảng 100 cơ sở và đến nay chỉ còn 30 cơ sở. Số cơ sở sản xuất gốm giảm, kéo theo lao động làm nghề này cũng giảm khoảng 70% so với năm 2001. Thực tế nghề gốm bắt đầu chựng lại gần 10 năm nay, từ khi tỉnh có chính sách di dời các cơ sở ra khỏi Biên Hòa. Do không mở rộng được sản xuất và mệt mỏi vì chờ đợi quy hoạch nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở gốm đã đóng cửa, một số chuyển sang tỉnh Bình Dương để lập cơ sở sản xuất mới.

Sản xuất gốm trang trí ở DNTN Phát Thành, KP4, phường Tân Vạn.    Ảnh: H.GIANG
Sản xuất gốm trang trí ở DNTN Phát Thành, KP4, phường Tân Vạn. Ảnh: H.GIANG

Do không thể mở rộng sản xuất, lại thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ nên đa số cơ sở gốm ở Biên Hòa phải sản xuất cầm chừng để giữ thợ. Năm 2007, suy giảm kinh tế diễn ra trên toàn cầu, nghề gốm đã khó lại càng khó hơn vì đầu ra hạn chế, thu nhập thấp, không ổn định, nhiều thợ gốm đã bỏ nghề.

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai, cho biết: “Các cơ sở gốm còn tồn tại đến nay đều là những người rất yêu nghề. Song nếu tỉnh không nhanh chóng có chính sách hỗ trợ kịp thời để di dời, giúp họ ổn định sản xuất thì sẽ còn nhiều cơ sở tiếp tục phải đóng cửa. Đây là một trong những nghề truyền thống lâu đời nhất của Biên Hòa - Đồng Nai và có giá trị văn hóa rất lớn, từng là niềm tự hào của người dân Đồng Nai. Vì thế, để nghề này mai một không chỉ thiệt thòi về kinh tế  mà còn mất đi một giá trị văn hóa lớn”.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất gốm ở Biên Hòa đều băn khoăn lo lắng trước việc phải di dời vào Cụm công nghiệp Tân Hạnh ở xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa). Bởi, đặc thù của dòng gốm đen là phải có mặt bằng rộng để làm lò và đốt bằng củi mới tạo ra sắc màu riêng biệt. Vào cụm công nghiệp phải sử dụng lò gas, chi phí cao lại không thể tạo ra màu sắc đặc trưng của dòng gốm đen. Ông Nguyễn Công Thành, chủ cơ sở gốm Hồng Đức ở khu phố 1, phường Tân Vạn (TP. Biên Hòa) nói: “Lò gốm của tôi có cách đây gần 40 năm. Sản xuất gốm đen với diện tích gần 5 ngàn m2 mà tôi thấy còn chật chội, thiếu chỗ để sản phẩm. Tới đây vào cụm công nghiệp chỉ được 3 ngàn m2  sẽ  rất khó cho sản xuất. Với lại gốm đen không cho đốt củi sẽ không ra sản phẩm như vậy”.

* Đợi chính sách

Ngành gốm ở Biên Hòa hiện đã giảm rất nhiều, chỉ còn những chủ cơ sở có tâm muốn giữ nghề truyền thống lâu đời mới ráng cầm cự đợi chính sách hỗ trợ của thành phố, tỉnh để quyết định có tiếp tục giữ nghề, hay đành ngậm ngùi đóng cửa chuyển nghề. Ông Nguyễn Hữu Tân, chủ DNTN gốm Phát Thành khu phố 4, phường Tân Vạn, tâm sự: “Gần 50 năm gắn bó với nghề làm gốm trang trí, từ thợ làm gốm tôi phát triển dần thành một doanh nghiệp, nay phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa tôi thấy xót xa vô cùng. Tới đây di dời vào cụm công nghiệp, tôi phải có khoảng 10 tỷ đồng để trả tiền hạ tầng, thuê đất và xây dựng nhà xưởng. Khoản đầu tư này vượt quá sức của doanh nghiệp, vì thế nếu không được tỉnh hỗ trợ chắc tôi phải chuyển nghề”.

Sản xuất gốm đen tại cơ sở của ông Nguyễn Công Thành ở KP1, phường Tân Vạn.            Ảnh: H.GIANG
Sản xuất gốm đen tại cơ sở của ông Nguyễn Công Thành ở KP1, phường Tân Vạn. Ảnh: H.GIANG

Nỗi niềm của ông Tân cũng là nỗi lo chung của hầu hết các cơ sở sản xuất gốm ở Biên Hòa. Bởi đây là nghề truyền thống làm tại gia đình, họ sẽ tiết kiệm được tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng và nguồn lao động họ sử dụng có sẵn tại địa phương.

Việc di dời vào cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất gốm đối mặt với hàng loạt khó khăn như: thiếu vốn trả tiền hạ tầng, thuê đất, xây dựng nhà xưởng, thiếu lao động có tay nghề. Riêng những cơ sở sản xuất gốm đen còn thêm nỗi lo diện tích quá chật hẹp, không được dùng củi sẽ không thể nung dòng gốm đen. Ông Vòng Khiềng cũng cho biết: “Thời hạn các cơ sở gốm phải di dời là năm 2012, nếu phần hỗ trợ di dời của tỉnh quá ít và các chính sách hỗ trợ khác không có sẽ rất ít cơ sở đủ khả năng vào cụm công nghiệp”. Ngay với Hợp tác xã gốm Thái Dương, một đơn vị có tiềm lực vốn khá mạnh cũng khẳng định, phải đợi chính sách hỗ trợ của tỉnh mới quyết định được có vào cụm công nghiệp tiếp tục đầu tư sản xuất hay không.

Thực tế, nghề gốm Biên Hòa đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì số cơ sở đủ điều kiện di dời vào cụm công nghiệp chỉ tính trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, khi di dời vào rồi liệu các cơ sở này có đủ lao động? Đa số thợ làm gốm là những người đã có gia đình, họ tranh thủ thời gian rảnh để làm, nếu di dời về cụm công nghiệp thì họ phải đi làm từ sáng đến chiều, sẽ  ít người có thể theo được. Trong khi để đào tạo được một thợ gốm lành nghề chỉ riêng khâu chấm men cũng đòi hỏi 4-5 năm. 

Hương Giang

 



 

 

 

Tin xem nhiều