Báo Đồng Nai điện tử
En

Lính đặc nhiệm “say” đánh án (Bài cuối)

09:08, 19/08/2013

Lính đặc nhiệm (thuộc Đội Hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh) thường xuyên đối mặt với hiểm nguy; đôi khi, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.

Lính đặc nhiệm (thuộc Đội Hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh) thường xuyên đối mặt với hiểm nguy; đôi khi, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Thế nhưng, họ chưa bao giờ chùn tay hay buông xuôi với các băng nhóm, đối tượng tội phạm ma mãnh.

Đội trưởng Đội Hình sự đặc nhiệm, Trung tá Bùi Văn Chính mở đầu câu chuyện bằng những dòng tâm sự mang đậm chất lính hình sự, nhưng cũng đầy sự chân thành: “Thật lòng chẳng biết nói gì ngoài những chuyện “đánh án”, truy bắt tội phạm, triệt phá các băng nhóm phạm pháp…, chứ có muốn tâm sự gì thêm cũng đành chịu. Đời lính chúng tôi, ai cũng nghèo về tài chính, nhưng lại dư dả lòng nhiệt huyết và giàu tình yêu nghề”.

* Truy tìm manh mối

Gần 35 năm theo nghiệp điều tra phá án, Trung tá Chính đã tham gia hàng trăm chuyên án, vụ án lớn nhỏ, nhưng mỗi vụ án là một thử thách, khó khăn đối với người lính hình sự. Từ manh mối điều tra vụ việc gần như số không, vất vả hóa trang khi vào đủ vai, từ người lao động bình thường đến dân chơi có “số má” để tìm ra được hung thủ…

Truy tìm manh mối, vật chứng của các băng nhóm tội phạm.
Truy tìm manh mối, vật chứng của các băng nhóm tội phạm.

Với chuyên án 110T, đấu tranh chống tội phạm trộm cắp hàng trong container từ Cảng Cát Lái (quận 2, TP.Hồ Chí Minh) đến các khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch, Trung tá Chính và đồng đội phải lập kế hoạch và kiên trì theo dõi để nắm được quy luật hoạt động của các đối tượng. Sau đó, bố trí lực lượng với những khoảng thời gian sao cho mọi sự thay đổi của bọn trộm đều bị vô hiệu hóa.[links(right)]

“Vụ án có rất nhiều đối tượng tham gia, địa bàn hoạt động liên quan nhiều tỉnh, thành, từ Đồng Nai đến TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An… Hành động “ăn hàng” của bọn trộm cũng rất tinh vi, không có những khoảng thời gian cố định, nên Ban chuyên án phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mới đấu tranh triệt phá được. Lúc ấy, các trinh sát phải chia thành nhiều mũi, đeo bám liên tục để không mất dấu đối tượng, mỗi chi tiết nhỏ đều có thể là manh mối quý giá để lần ra những chứng cứ khác” - Trung tá Chính tâm sự.

* Gian nan đời lính

Với Đại úy Võ Nhật Hồng Phúc, Phó đội trưởng Đội Hình sự đặc nhiệm, lính hình sự thì càng làm càng say mê, luôn phải đi đến cùng của sự thật. Những chuyến công tác đột xuất, làm việc bất kể ngày đêm, rồi chuyện “ăn bờ, ngủ bụi” đã trở thành “món” không thể thiếu của người chiến sĩ hình sự.

Giữa năm 2011, Đại úy Phúc nhận quyết định chuyển từ Công an tỉnh Tiền Giang về Công an huyện Nhơn Trạch công tác. Sau khi đến trình diện đơn vị mới, trên đường về nhà được khoảng 15km thì anh nhận được điện thoại yêu cầu quay lại nhận công tác gấp. Đêm đó, anh cùng đồng đội cưỡi chiếc xe máy đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi tức tốc vòng về tỉnh Bình Dương xác minh dấu vết thủ phạm thực hiện hàng loạt vụ trộm tài sản trong container của các công ty.

Sáng hôm sau, nguồn tin báo về cho biết bọn tội phạm bắt đầu hành động, nên công tác bắt tội phạm được triển khai ngay trong ngày. Chỉ trong vòng 24 giờ, lực lượng đánh án đã bắt gọn 5 đối tượng, qua đó làm rõ hàng trăm vụ trộm cắp, thu lợi bất chính hơn 11 tỷ đồng của băng nhóm trộm cắp này. Mở rộng điều tra, hàng loạt vụ mất hàng bí ẩn trong container của các công ty ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã được khám phá.

“Đó là chuyên án mà thời gian đi về giữa các tỉnh, thành diễn ra liên tục, tổ đánh án phải xoay như chong chóng. Chưa hết, sau khi bắt giữ một số đối tượng cầm đầu trong băng nhóm, chúng tôi phải mất nhiều ngày không ngủ, đấu tranh cân não với đối tượng để lấy lời khai, nhanh chóng kết thúc chuyên án” - Đại úy Phúc cho biết.

Trước đó, khi tham gia chuyên án truy bắt băng nhóm tội phạm chuyên trộm cắp xe máy liên tỉnh đưa qua Campuchia tiêu thụ, anh đã có những kỷ niệm đáng nhớ về cuộc đời làm lính trinh sát của mình. Điều khiến anh nhớ nhất là thời điểm phá án cũng bắt đầu vào thời điểm bây giờ, giữa mùa mưa, nên khó khăn vô kể. Án sắp hoàn thành, chỉ cần đối tượng xuất hiện là bắt gọn, nhưng chẳng dễ một chút nào. Khi đối tượng về nhà, hắn luôn cho “vệ tinh” theo dõi từ xa, nếu thấy ai mặc áo gió, trùm nón là hắn chuồn lẹ.

Suốt nhiều tháng trời như vậy, đã có những lúc vụ án tưởng chừng như rơi vào ngõ cụt. Giải pháp cuối cùng được đưa ra, 2 trinh sát hóa trang thành cặp tình nhân để phục kích đối tượng. “Suốt đêm, trời mưa tầm tã, chúng tôi mặc áo mưa cứ thế mà ngồi chờ đối tượng đến tận 1 giờ sáng. Cũng vì thế mà đối tượng không để ý, khi hắn vừa xuất hiện, các trinh sát đã ập vào bắt giữ tại chỗ” - Đại úy Phúc kể lại.

Đội Hình sự đặc nhiệm (thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh) có nhiệm vụ nắm tình hình, tham mưu, đề xuất kế hoạch, biện pháp phát hiện, điều tra truy bắt các băng nhóm tội phạm cướp giật và truy bắt các đối tượng vừa gây án. Đội cũng là một trong những lực lượng xung kích, mũi nhọn của lực lượng Công an tỉnh.

Còn câu chuyện mà Đại úy Trần Hải Triều kể với chúng tôi vô cùng ấn tượng, khi anh cùng đồng đội triệt phá thành công băng nhóm tội phạm Cương “Cầu Xéo”. Khi Ban chuyên án dịch chuyển về khu Cầu Xéo (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành), anh được phân công theo dõi một đối tượng là mắt xích rất quan trọng trong vụ án. Ròng rã nhiều ngày liền anh thu thập thông tin, tăng cường theo dõi, mật phục trên các đoạn đường, nhưng chẳng có kết quả. Lúc cơ sở báo tin đối tượng đang câu cá ở một hồ câu cá giải trí gần thị trấn Long Thành, Đại úy Triều liền vào vai một dân câu chuyên nghiệp để theo dõi đối tượng. Trong khoảng thời gian 3-4 ngày, anh chỉ việc ngồi câu, theo dõi mọi hoạt động của đối tượng này. Rời vai thợ câu, anh còn hóa thành người thợ hồ quần áo lấm lem, hay trở thành tài xế xe ôm để che mắt đối tượng ranh ma. Cách mật phục và hóa trang trong quá trình đánh án của một trinh sát đã để lại cho anh những kỷ niệm và bài học sâu sắc.

Đại úy Triều cho biết: “Qua một thời gian nghiên cứu hoạt động, kết hợp với việc rà soát đối tượng ở địa phương, tôi báo cáo tình hình lên cấp trên, rồi xây dựng kế hoạch mật phục tóm gọn đối tượng. Đó cũng là lúc kẻ cầm đầu băng nhóm Cương “Cầu Xéo” cùng đồng bọn tra tay vào còng. Sau gần một năm, những kẻ phạm tội hiện đã chịu quy án, nhận tội trước pháp luật”.

Trong cuộc đời làm lính trinh sát đặc nhiệm, điều mà Đại úy Trần Hải Triều cũng như các đồng đội trẻ của anh gặp phải chính là sự thiếu thốn về mặt tình cảm gia đình. Nhưng rồi những tháng ngày xa nhà đằng đẵng, những bữa cơm ăn vội để kịp chuyến công tác dần trở thành thói quen. Bởi lẽ, đã làm lính hình sự thì họ sinh ra vốn là để phá án và truy bắt tội phạm.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều