Báo Đồng Nai điện tử
En

Những sáng kiến từ dân (Bài 3)

09:08, 16/08/2013

Nhiều lần chứng kiến cảnh công nhân, học sinh đi qua đoạn đường vắng bị kẻ xấu chặn đường “xin đểu”, hay cảnh người nghiện tiêm chích ma túy, những vụ mất trộm tài sản xảy ra trên địa bàn…

Nhiều lần chứng kiến cảnh công nhân, học sinh đi qua đoạn đường vắng bị kẻ xấu chặn đường “xin đểu”, hay cảnh người nghiện tiêm chích ma túy, những vụ mất trộm tài sản xảy ra trên địa bàn…, người dân tổ 8, ấp Long Khánh 1, xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) đã đề xuất với chính quyền địa phương cho thành lập Tổ an ninh tự quản (Tổ ANTQ) để ngăn chặn tình trạng này.

Tiếng kẻng là công cụ thông báo cho người dân tổ 9, ấp Long Khánh 1, xã Tam Phước mỗi khi có chuyện liên quan đến an ninh trật tự.
Tiếng kẻng là công cụ thông báo cho người dân tổ 9, ấp Long Khánh 1, xã Tam Phước mỗi khi có chuyện liên quan đến an ninh trật tự.

Cũng như Tổ ANTQ ở ấp Long Khánh 1, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) sáng tạo được hình thành từ ý nguyện của người dân.

* Sáng kiến của người dân

Nằm giữa Cụm công nghiệp Dốc 47 với hơn 20 công ty đứng chân, tổ 8, ấp Long Khánh 1, xã Tam Phước đã thu hút một lượng lớn công nhân đến thuê trọ, khiến tình hình ANTT ở địa bàn trở nên phức tạp.

Sau mỗi buổi tan ca muộn trở về nhà, nhiều công nhân (đặc biệt là công nhân nữ) đi qua các khu vực vắng người (như: rẫy điều, rừng tràm…) thường bị các đối tượng xấu chặn đường “xin đểu”. Nhiều nhà dân trong tổ cũng thường xuyên bị mất trộm, đặc biệt là nạn trộm chó, gà... Nhưng do nhà dân ở thưa vắng, lại bị cô lập bởi rừng cây, dốc đồi nên việc người dân phối hợp để bảo vệ tài sản của nhau gặp khó khăn.[links(right)]

Trước tình trạng đó, sau những lần họp tổ, người dân tổ 8 đã đề xuất thành lập một lực lượng để giữ gìn ANTT trong tổ. Việc thành lập và hoạt động của lực lượng này hoàn toàn tự nguyện. Trong đó, những người có điều kiện về thời gian, sức khỏe sẽ tham gia tuần tra trên các tuyến đường trong tổ, nếu phát hiện thanh niên tụ tập, nhậu say quậy phá, đi xe máy nẹt pô, hoặc các đối tượng cướp giật, trộm cắp tài sản… thì lập tức giữ lại và báo cho ban ấp, công an xã đến xử lý.

Theo thống kê của Công an tỉnh, hiện toàn tỉnh có 12.159 tổ, ban, đội trong các tổ chức quần chúng bảo đảm an ninh trật tự với 133.725 người tự nguyện, tự giác tham gia.

Tổ trưởng Tổ ANTQ tổ 8 Nguyễn Văn Vân cho biết: “Từ khi Tổ ANTQ ra đời, tình hình tội phạm, cũng như các vụ gây rối trên địa bàn tổ được kiểm soát, khiến người dân cảm thấy yên tâm hơn”.

Tương tự, người dân ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) đã có sáng kiến dùng tiếng kẻng làm phương tiện thông báo cho nhau mỗi khi phát hiện kẻ gian trên địa bàn.

Do dân ấp Lộ 25 cư ngụ thưa thớt, giữa các hộ dân lại bị chia cắt bởi các rẫy điều, cà phê, tiêu…, nên khi có kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản hay làm chuyện phạm pháp gì đó, người dân rất khó khăn trong việc tri hô, bắt giữ. Nếu có báo cho công an địa phương, thì khi công an đến nơi, kẻ gian cũng đã chạy thoát.

Để đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT địa bàn, người dân trong ấp đã trăn trở, tìm kiếm một mô hình thích hợp, hiệu quả trong công tác bảo vệ ANTT để áp dụng tại địa phương. Sau thời gian tìm tòi, xem xét đặc điểm dân cư trong ấp, mọi người đã có ý tưởng dùng tiếng kẻng để thông báo cho nhau mỗi khi trong ấp phát sinh những vụ việc liên quan đến tình hình ANTT, đồng thời cũng là hiệu lệnh để bà con hỗ trợ nhau vây bắt tội phạm.

Từ chỗ một nhà sắm kẻng đến nhà nhà sắm kẻng để cùng nhau báo động, phong trào giữ gìn ANTT trong ấp trở nên khí thế hơn. Và với sáng kiến này, từ năm 2010 đến nay, tình hình ANTT trên địa bàn ấp đã được giữ vững. Tình trạng mất trộm cà phê, hạt điều, tiêu mỗi lần đến mùa thu hoạch trong ấp đã không còn, các vụ kẻ gian đột nhập nhà dân để trộm cắp tài sản cũng giảm hẳn.

Còn tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành), trên con đường liên ấp dài gần 3km, từ ấp 8 xã Bình Sơn qua địa bàn xã Bình An (huyện Long Thành), người dân đã đóng góp vào công tác giữ gìn ANTT địa bàn bằng những “ngọn đèn an ninh”. Chỉ với những ngọn đèn điện thắp sáng con đường ngay trước nhà mình, các hộ dân ấp 8 xã Bình Sơn đã góp phần chấm dứt cảnh đi lại u tối đầy rủi ro, nguy hiểm về đêm ở ấp 8, đồng thời giảm bớt tình hình trộm cắp, cướp giật… trên địa bàn.

Từ những sáng kiến của người dân và sự vào cuộc của chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh, đã có không ít mô hình về ANTT. Ngoài mô hình “tiếng kẻng an ninh” ở ấp Lộ 25, “an ninh tự quản” ở ấp Long Khánh 1…, hiện trên địa bàn tỉnh có 46 mô hình bảo vệ ANTT được phát triển đa dạng, phong phú và hoạt động tương đối hiệu quả.

* Nhân lên ước nguyện của dân

Sau những thành công bước đầu của mô hình Tổ ANTQ tại tổ 8, ấp Long Khánh 1, xã Tam Phước, khoảng một năm nay, tổ 9 “hàng xóm” cũng đã học tập, từng bước xây dựng Tổ ANTQ trên địa bàn mình.

Anh Trần Anh Kiệt, Tổ trưởng Tổ ANTQ tổ 9, ấp Long Khánh 1 chia sẻ: “Thấy mô hình của “hàng xóm” làm hay, được nhiều người ca ngợi, chúng tôi cũng học hỏi làm theo. Sau khi tổ chức họp tổ đề xuất ý kiến thành lập Tổ ANTQ, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ cao, đặc biệt số lượng người dân tình nguyện tham gia thành viên của tổ rất đông. Hiện Tổ ANTQ tổ 9 có đến 45 người, độ tuổi từ 20-40”.

Với số lượng người tham gia đông như vậy, tổ đã phân chia thành nhiều nhóm nhỏ để thay nhau tuần tra và chốt trực tại các địa điểm thường xảy ra mất ANTT.

Anh Nguyễn Văn Nha, 8, xã Bình Sơn (huyện Long Thành), bày tỏ sự phấn khởi: “Từ ngày mắc đèn chiếu sáng con đường, bà con trong ấp ai nấy đều vui. Có đèn đường, làng xóm văn minh hơn, người đi đường tránh được rủi ro, tai nạn và đặc biệt là việc phòng ngừa bọn trộm cắp”.

Chia sẻ về thành quả bước đầu, anh Kiệt cho hay, từ khi có Tổ ANTQ thì tình hình ANTT trên địa bàn đã thay đổi hẳn. Tại các ngõ xóm không có chuyện thanh niên tụ tập, ăn nhậu gây rối; các đối tượng xì ke không dám lợi dụng những chỗ vắng để tiêm chích… Ngoài ra, để kịp thời hỗ trợ lực lượng công an ngăn chặn và bắt giữ các đối tượng gây án bỏ chạy, Tổ ANTQ đã gắn kẻng báo động mỗi khi xảy ra chuyện. Nhờ những hoạt động này mà nhân dân trong tổ giờ đây đã quen dần với các sinh hoạt tập thể. Hễ có tiếng kẻng báo động, mọi người đều đổ ra đường để bắt tội phạm.

Trung tá Đặng Bá Minh, Trưởng Công an xã Tam Phước, cho biết từ thực tế nhu cầu của người dân tại tổ 8 và 9, ấp Long Khánh 1, công an xã đã tham mưu cho UBND xã cho thành lập tổ ANTQ. Sau một thời gian đi vào hoạt động, các tổ tự quản này đã thu được những kết quả đáng kích lệ. Đặc biệt, hoạt động của các tổ ANTQ đã nhận được sự đồng lòng của hầu hết người dân địa phương. Với những thành công đó, công an xã đã nhận được đề xuất từ một số ấp, như: Long Khánh 3, Thiên Bình… yêu cầu cho thành lập tổ ANTQ.

“Đây là những dấu hiệu cho thấy hiệu quả tốt từ một mô hình do dân thành lập và được dân ủng hộ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập thêm mô hình này để thỏa ước nguyện của người dân trong việc tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” - Trung tá Đặng Bá Minh chia sẻ.

Trần Danh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều