Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo ngại "bão giá" dịp cuối năm

11:12, 13/12/2021

Giá nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng hiện vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, chi tiêu hằng ngày của người dân.

[links()]Giá nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng hiện vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, chi tiêu hằng ngày của người dân. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ bày tỏ lo lắng trong việc đảm bảo nguồn lợi nhuận, cân đối chi phí kinh doanh… khi mặt bằng giá nguyên liệu, thực phẩm đầu vào vẫn chưa “hạ nhiệt”.

Giá gas  vẫn giữ  ở mức cao dù mới giảm giá lần đầu tiên vào đầu tháng 12-2021 sau 6 lần tăng giá liên tiếp. Ảnh: H .Quân
Giá gas vẫn giữ ở mức cao dù mới giảm giá lần đầu tiên vào đầu tháng 12-2021 sau 6 lần tăng giá liên tiếp. Ảnh: H .Quân

Bà Hoàng Châu, chủ một cơ sở kinh doanh ăn uống ở P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho biết, do giá nguyên liệu tăng quá nhanh nên bà phải tăng khoảng 10-20 ngàn đồng/món ăn, từ trung bình dao động ở mức 70-120 ngàn đồng lên 80-150 ngàn đồng/món. Trong các loại nguyên liệu, chỉ có giá thịt heo có chiều hướng ổn định, còn các loại khác từ rau củ, tôm, cá, thịt bò..., đến các loại gia vị đều tăng mạnh.

“Dù tôi đã tìm mua nguyên liệu ở những chỗ bỏ mối sỉ nhưng giá vẫn khá cao. Do vậy, nếu không tăng giá món ăn sẽ cầm chắc thua lỗ, bởi ngoài chi phí nguyên liệu thì tôi còn phải “gồng gánh” thêm tiền mặt bằng, nhân viên, điện, nước, gas... Chưa kể dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp, người dân còn lo ngại vấn đề lây nhiễm khiến lượng khách ít dần, doanh thu của quán sụt giảm rất nhiều so với trước dịch” - bà Châu cho hay.

Càng về cuối năm, dịp cận Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhiều người tiêu dùng càng lo lắng việc thị trường sẽ lập mặt bằng tăng giá mới. Bởi đây cũng chính là thời điểm nhu cầu tiêu dùng có xu hướng gia tăng, trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, khó lường trong cả nước, trên thế giới xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2... khiến hoạt động sản xuất dự báo sẽ chịu ảnh hưởng, tạo áp lực lên cán cân cung - cầu dịp cuối năm. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người tiêu dùng.

Bà Thiên Hương (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Dù hiện tại tôi đã cố gắng thắt chặt chi tiêu nhưng khoản chi cho bữa ăn hằng ngày của gia đình vẫn cao hơn trước dịch khoảng 20-30%. Không chỉ thực phẩm, nhu yếu phẩm mà nhiều chi phí khác đều tăng. Sắp đến Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, đây là mùa cao điểm trong năm, không biết tình hình giá khi nào mới hạ nhiệt, ổn định trở lại?”.

Hải Hà

 

 

Tin xem nhiều