Báo Đồng Nai điện tử
En

Để người dân hưởng lợi từ rừng

09:12, 14/12/2021

Giữ gìn và phát triển diện tích rừng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Đồng Nai...

Giữ gìn và phát triển diện tích rừng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh. Các giá trị này sẽ được cộng sinh nếu có sự tham gia của người dân, các tổ chức và cộng động doanh nghiệp. Dưới đây là ý kiến của những người có nhiều năm gắn bó, nghiên cứu về rừng.

Du khách tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên
Du khách tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên

 

GS-TS NGUYỄN HOÀNG TRÍ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam (MAP):

Đồng Nai đưa quản lý tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Tôi cho rằng, Đồng Nai đã đi trước và làm rất tốt việc đưa chủ trương, chính sách lớn của quốc gia và định hướng, kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh vào công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học. Các nơi đều đóng cửa rừng từ sớm. Tôi theo dõi Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai nhiều năm và thấy rằng, chính quyền địa phương luôn ủng hộ, tạo điều kiện để khu triển khai các dự án hướng đến phát triển bền vững.

Cụ thể, hằng năm tỉnh phê duyệt diện tích trồng mới, trồng bổ sung, trồng thay thế rừng già cỗi; tỉnh cho phép triển khai rất nhiều dự án, đề án nhằm bảo vệ các loài động vật quý hiếm, cây dược liệu. Tỉnh còn hỗ trợ người dân vùng đệm ổn định cuộc sống bằng chính sách giao khoán đất rừng; hỗ trợ vốn và chuyển đổi nghề nghiệp khi thực hiện cấm khai thác thủy sản trên hồ Trị An. Ngoài ra, tỉnh giải quyết các chế độ chính sách đối với đơn vị chủ rừng, cán bộ làm công tác bảo vệ rừng và cả người dân. Những hoạt động này là tỉnh chi cho bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhưng đồng thời nó góp phần giúp tỉnh bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ nguồn nước các sông, hồ để thích ứng với biến đổi khí hậu.

PGS-TS HUỲNH VĂN TỚI, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Phát triển giá trị mang tính chất tự nhiên, sinh học, văn hóa - lịch sử

Tôi có thời gian nghiên cứu văn hóa, con người, cộng đồng các dân tộc sinh sống quanh rừng nên rút ra mấy vấn đề: Nơi sinh tồn và phát triển các loài động - thực vật tuyệt đối phải giữ gìn. Các giá trị mang tính chất lịch sử - văn hóa của vùng đất, con người cần được bảo tồn và phát triển hơn nữa không chỉ cho người dân địa phương mà toàn xã hội.

Ngoài sự đa dạng về các giá trị sinh học, rừng tự nhiên và phụ cận ở Đồng Nai còn có cả một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng của cộng đồng các dân cư. Phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là du lịch nên dựa vào văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người để gia tăng giá trị. Chủ rừng hoặc đơn vị kinh doanh du lịch rừng tham gia vào việc hỗ trợ người dân địa phương phục dựng và duy trì các lễ hội, phong tục truyền thống phục vụ khách du lịch. Đây vừa là điểm nhấn để thu hút du khách vừa góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa cộng đồng, tạo nguồn thu cho người dân.

Hiện nay, có một số hộ gia đình, CLB đang được hưởng lợi từ rừng thông qua việc tham gia bảo vệ, phát triển rừng; làm du lịch cộng đồng và bán sản phẩm cho du khách. Hoạt động này cần được duy trì để các bên cùng có lợi.

Bà NGUYỄN THỊ LAN PHƯƠNG, điều phối kinh tế dự án Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam:

Khai thông chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng

Hiện nay, chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng đã có nhưng rất khó áp dụng. Tôi ví dụ dự án cho thuê môi trường rừng ở H.Định Quán của Công ty CP The Coi. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho đầu tư dự án từ nhiều năm trước, nhưng đến nay chưa đạt được thỏa thuận, chưa thể triển khai dự án. Luật cho phép khai thác du lịch trên đất lâm nghiệp nhưng lại không cho triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật. Khu du lịch không có nhà nghỉ, nhà hàng, nhà vệ sinh thì làm sao thu hút du khách? Thay vì không cho, nên có quy định cụ thể được phép phát triển hạ tầng ở mức độ nào, chiếm bao nhiêu diện tích đất thuê. Rồi thì trong mỗi công trình xây dựng diện tích cây xanh tối thiểu bao nhiêu.

Điều tôi muốn nói là chính sách có rồi nhưng nghị định, thông tư hướng dẫn phải kỹ hơn, sát hơn với địa phương. Để cho địa phương được phát huy vai trò quản lý. Về phía địa phương, cần linh hoạt hơn trong việc áp dụng chính sách vào thực tiễn. Các sở, ngành, địa phương cùng với nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc kiến nghị lên cấp cao hơn để dự án được triển khai sớm.

Lê An (ghi)

Tin xem nhiều