Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá tiêu dùng vẫn chưa ''hạ nhiệt''

03:12, 14/12/2021

Trong thời gian qua, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng… Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường, đời sống của người dân.

[links()]Trong thời gian qua, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng… Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường, đời sống của người dân.

Đồ họa thể hiện một số nhóm mặt hàng có chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11-2021 tăng so với tháng 10-2021. Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai (Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện một số nhóm mặt hàng có chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11-2021 tăng so với tháng 10-2021. Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai (Đồ họa: Hải Quân)

Có nhiều nguyên nhân khiến mặt bằng giá tăng cao, trong đó có ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn cung chưa ổn định, chi phí vận tải, giá xăng dầu vẫn đang ở mức cao…

* Nguồn cung nhiều mặt hàng chưa ổn định “hậu” giãn cách

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 11 vừa qua, có 5 nhóm hàng hóa chính có chỉ số giá tiêu dùng tăng so với tháng 10 gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; nhóm may mặc, mũ, giày dép tăng 0,11%; nhóm thiết bị đồ dùng và gia đình tăng 0,04%; nhóm giao thông tăng 3,77%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,56%…

Trong đó, mặt hàng lương thực có chỉ số giá tăng 0,15% so với tháng 10 do mới kết thúc vụ thu hoạch lúa hè - thu, người dân sử dụng lúa mới để tiêu dùng nhiều hơn. Ngoài ra, do chi phí vận chuyển tăng làm cho giá các loại gạo tăng so với tháng trước như: gạo tẻ thường tăng 0,35%, gạo tẻ ngon tăng 0,25%...

Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện nhiều chợ đã mở cửa trở lại nhưng sức mua chưa nhiều. Đặc biệt, nguồn cung nhiều loại nông sản, thực phẩm hiện vẫn chưa dồi dào do còn chịu nhiều “dư âm” sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Ông Hồ Đức Tân, đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho hay, lượng hàng hóa tiêu thụ tại chợ trong khoảng 1 tháng qua bị sụt giảm so với thời điểm trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Hiện trung bình lượng hàng tiêu thụ tại chợ vào khoảng 150-200 tấn/ngày đêm, thấp hơn khá nhiều so với các tháng trước đó. Trong đó, nguồn nông sản ở Đồng Nai chiếm khoảng 50% lượng hàng tiêu thụ tại chợ.

Tương tự, ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Phương Lâm - đơn vị quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) cho biết, thời gian gần đây, giá nhiều mặt hàng nông sản, nhất là các loại rau củ quả tăng khoảng 10% so với tháng trước. Nguyên nhân là do nhiều loại mặt hàng như: dưa leo, bầu, bí, rau xanh… đã qua thời điểm chính vụ nên lượng hàng nhập về không dồi dào như thời gian trước kéo giá tăng theo. Hiện nguồn hàng của chợ chủ yếu từ nguồn Đà Lạt, một số là nông sản của địa phương cung ứng…

Người tiêu dùng chọn mua các loại rau củ quả tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Người tiêu dùng chọn mua các loại rau củ quả tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Theo Sở Công thương, giá một số mặt hàng thiết yếu tại các chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn tỉnh như: chợ Biên Hòa, chợ Long Khánh, chợ Long Thành, chợ Phương Lâm... hiện ở các mức như sau: thịt heo nạc từ 80-130 ngàn đồng/kg, thịt heo ba rọi từ 80-130 ngàn đồng/kg, thịt bò phi-lê từ 270-320 ngàn đồng/kg, thịt gà công nghiệp làm sẵn từ 45-50 ngàn đồng/kg, cá diêu hồng từ 55-80 ngàn đồng/kg, trứng gà, trứng vịt từ 20-36 ngàn đồng/chục; các loại rau củ quả như: bắp cải 15-19 ngàn đồng/kg, khoai tây 14-25 ngàn đồng/kg, cà rốt 20-35 ngàn đồng/kg, bí xanh, bí đỏ từ 12-20 ngàn đồng/kg tùy loại…

Bà Nguyễn Thị Hiên, chủ một sạp bán thịt gà ở chợ Biên Hòa cho biết, lượng hàng sau chợ mở cửa trở lại vẫn chưa ổn định, trong khi giá nhập về ở mức cao, gần như tương đương so với trước dịch Covid-19. Do đó, giá đầu ra sẽ khó có thể “hạ nhiệt” ngay.

Đại diện một siêu thị ở TP.Biên Hòa chia sẻ, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng đang có nhiều biến động. Điều này cũng ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai chương trình bình ổn giá cuối năm của đơn vị. Do đó, siêu thị sẽ cân đối lại các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng phù hợp trước những biến động lớn của thị trường do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

* Nhiều chi phí phát sinh vẫn ở mức cao

Bên cạnh nguồn cung nhiều mặt hàng vẫn chưa ổn định, chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp, các chi phí về vận tải, nhân công, xét nghiệm Covid-19, các chi phí vật tư khác liên quan… vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho mặt bằng giá cả đầu ra của nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm vẫn còn ở mức cao.

Bà An Tú Anh, Giám đốc HTX Rau Tân Yên (H.Thống Nhất) cho biết, hiện nhiều chi phí phát sinh khiến hoạt động cung ứng rau gặp nhiều khó khăn, trong đó phải kể tới chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao 50-60% so với trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4; ngoài ra, còn có chi phí xét nghiệm Covid-19, chi phí vận tải... Hơn thế nữa, nhân công thu hoạch rau vào đợt này cũng bị thiếu hụt do nhiều lao động vẫn còn sợ dịch chưa đi làm, nhiều nhân công đòi tăng giá thuê quá cao. Do đó, có trường hợp rau tới ngày thu hoạch đầy vườn mà không có người cắt.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán chia sẻ, sau đợt dịch vừa qua, giá nhiều loại vật tư chăn nuôi, thú y tăng khoảng 10% so với trước dịch, đặc biệt giá cám vẫn giữ mức “đỉnh” trong nhiều tháng gần đây và tăng khoảng 40% so với thời điểm cuối tháng 10 năm ngoái. Ngoài ra, chi phí vận tải, nhân công vẫn đang ở mức cao. Trong đó, nguồn nhân công hiện tương đối khan hiếm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều loại chi phí tăng đã tác động không nhỏ tới giá thành sản xuất chăn nuôi trong giai đoạn này.

Trong thời gian qua, giá các loại nhiên liệu vẫn giữ ở mức cao và tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường đã khiến không ít doanh nghiệp, HTX về vận tải trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, chấp nhận chịu lỗ… Điều này cũng tác động không nhỏ tới giá cước vận tải, chi phí vận chuyển.

Ông Nguyễn Xuân Cử, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải đường bộ Phú Cường A (TP.Biên Hòa) bày tỏ, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp đã tác động không nhỏ tới hoạt động của công ty. Hiện công ty mới chỉ hoạt động trở lại khoảng 80% lượng xe. Khó khăn hiện nay là chi phí vận hành bị “đội lên” bởi giá xăng dầu vẫn đang ở mức cao. Hơn thế nữa, do yêu cầu từ nhiều doanh nghiệp sản xuất, để vào nhận hàng, công ty vận tải phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho tài xế định kỳ 2 lần/tuần.

“Chi phí xét nghiệm Covid-19, chi phí xăng dầu chiếm hơn 40% chi phí vận hành của công ty. Do đó, công ty buộc phải bù lỗ cho các khoản chi phí này để duy trì hoạt động. Trong khi đó, đơn hàng vận chuyển lại giảm
30-40% so với trước dịch. Với việc vừa bị giảm đơn hàng vì tình hình dịch bệnh, vừa chịu nhiều áp lực vì chi phí vận hành tăng cao đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn hiện nay” - ông Cử nhấn mạnh.   

Nhiều mặt hàng phụ thuộc vào biến động giá trên thế giới

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 11 vừa qua, ảnh hưởng của giá dầu thế giới tăng cao làm cho giá các mặt hàng xăng, dầu trong nước tiếp tục tăng cao. Chỉ số nhóm nhiên liệu trong tháng tăng 7,9% so với tháng trước; trong đó, giá xăng các loại tăng 8,79%, giá dầu diesel tăng 7,6% so với tháng trước; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,31%. Ngoài ra, giá gas tăng 3,68%, dầu hỏa tăng 7,27% trong tháng 11 do ảnh hưởng của tình hình giá các mặt hàng trên thế giới tăng.

Tương tự, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng 0,53% so với tháng trước, do tháng 11 nhiều công trình tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nên nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao. Mặt khác, giá sắt thép do ảnh hưởng của thị trường thế giới nên liên tục tăng và hiện đang ở mức cao.

Hải Quân

Tin xem nhiều